Ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tìm hướng đi chung

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng nhiều sản phẩm du lịch đã tạo thương hiệu cho địa phương và toàn vùng Đồng bằng sông Hồng như Vịnh Hạ Long, Tràng An...
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 28/12, tại thành phố Ninh Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố lớn nhằm tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch giữa các địa phương.

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho biết việc tổ chức Chương trình là hoạt động cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây cũng là dịp đánh giá những kết quả đạt được về hợp tác phát triển du lịch các địa phương trong vùng đồng thời cũng là dịp để tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của các địa phương, các điểm đến, qua đó đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi và phát triển hoạt động du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Tại hội nghị, tỉnh Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong vùng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, hỗ trợ về chính sách, cơ chế, các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, liên kết, hợp tác chặt chẽ trong phát triển du lịch.

Ban tổ chức mong muốn nhận được các ý kiến chân tình, cởi mở, thẳng thắn, khách quan và xây dựng... nhằm chỉ ra những yếu kém, hạn chế cần phải đổi mới, điều chỉnh và bổ sung; đặc biệt là những góp ý về ý tưởng, giải pháp để liên kết xây dựng cho được sản phẩm du lịch có chất lượng, mang hàm lượng, đặc trưng văn hóa riêng có của vùng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong thời gian tới.

Trên cơ sở đề dẫn gợi mở, hội nghị đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến liên kết, phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác.

[Thí điểm trải nghiệm du lịch xe buýt 2 tầng tham quan Ninh Bình]

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng nhiều sản phẩm du lịch của vùng đã tạo được thương hiệu cho địa phương và toàn vùng như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Tam Chúc; việc liên kết phát triển du lịch đã hình thành và có hiệu quả nhất định trong kết nối đầu tư, quản lý, quảng bá giữa các tỉnh trong vùng và ngoài vùng.

Tuy nhiên, các kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa được như kỳ vọng, ở chỗ sản phẩm chưa hấp dẫn, dịch vụ chưa đa dạng, còn nhiều vấn đề trong công tác quản lý, quy hoạch.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thời gian tới, các cấp, các ngành cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để điều phối liên kết vùng hiệu quả; đổi mới mô hình tăng trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch.

Mặt khác, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng; phát triển các công trình hạ tầng y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin đồng thời với phát triển đội ngũ nhân lực; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vùng.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm phục vụ du lịch tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Tiến sỹ Trần Huy Đức, Khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh cần xây dựng thương hiệu và phát triển hình ảnh, thương hiệu du lịch, trong đó cần xác định những giá trị cốt lõi và những hệ giá trị khác mà vùng, điểm đến du lịch đó có hoặc tạo lập mới để phát triển, duy trì.

Những giá trị đặc trưng, riêng có của mỗi vùng là cơ sở để hình thành các chuỗi giá trị đặc trưng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng.

Vùng cũng cần xác định cấp độ thương hiệu du lịch dự kiến tạo lập, phát triển; xác định một hoặc nhiều đoạn thị trường mục tiêu cho thương hiệu du lịch vùng.

Hội nghị còn nhận được hơn 10 ý kiến nêu bật những tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng tỉnh trong khu vực và một số tỉnh, thành phố khác, từ đó đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong khu vực và các tỉnh, thành phố tham gia hội nghị đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch.

Hội nghị là một trong nhiều nội dung quan trọng thuộc Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố lớn với chủ đề “Hợp tác-Phát huy thế mạnh-Cùng nhau phát triển," tổ chức từ ngày 26 đến 28/12.

Trước đó, các đại biểu đã khảo sát, giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch trong vùng, trọng tâm khảo sát kết nối sản phẩm giữa Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình; giới thiệu một số sản phẩm dịch vụ du lịch mới của tỉnh và các địa phương; khảo sát xây dựng kết nối các tour tuyến mới như: tuyến Hoàng thành Thăng Long-chùa Hương, Hà Nội-Tam Chúc, Hà Nam-Tràng An, Bái Đính, Ninh Bình; thử nghiệm đưa dịch vụ tuyến tham quan bus 2 tầng tại Ninh Bình; tuyến checking đi bộ tại Tràng An; sản phẩm du lịch golf gia đình.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục