Ngành du lịch các nước Arab trông chờ vào du khách Trung Quốc

Sau những tác động tiêu cực từ các cuộc tấn công khủng bố, các nước Arab đang trông đợi vào du khách Trung Quốc và phát triển du lịch nội địa nhằm khôi phục ngành công nghiệp không khói.
Khách du lịch tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh, Ai Cập. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Du lịch các nước Arab cho biết các nước trong khu vực đang trông đợi vào du khách Trung Quốc và phát triển du lịch nội địa nhằm khôi phục ngành công nghiệp không khói, vốn phải chịu những tác động lớn do các cuộc tấn công khủng bố.

Vừa thoát khỏi tác động của phong trào Mùa xuân Arab, ngành du lịch các nước Bắc Phi và Trung Đông lại phải chịu khủng hoảng lớn trong năm 2015 sau những vụ tấn công khủng bố nhằm vào Tunisia và Ai Cập khiến lượng du khách ở những điểm du lịch nổi tiếng nơi đây giảm xuống.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Hisham Zaazou cho biết lượng du khách Trung Quốc đến Xứ sở Kim tự tháp lại tăng lên trong năm 2015.

Chính quyền Ai Cập đã cho phép các chuyến bay thuê bao đến từ Trung Quốc. Do đó, lượng du khách đã tăng gấp đôi từ 60.000 lượt người năm 2014 lên 135.000 lượt năm 2015, thời điểm mà ngành du lịch nước này phải gánh chịu nhiều khó khăn.

Hồi tháng 9/2015, tám du khách Mexico đã bị thiệt mạng tại khu vực sa mạc do lỗi của lực lượng an ninh Ai Cập.

Một tháng sau đó, một máy bay chở khách Nga đã bị nổ tại Sinai cướp đi mạng sống của 224 hành khách và phi hành đoàn.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom trên. Hàng chục nghìn du khách nước ngoài đã phải kiên nhẫn chờ đợi vì chuyến bay về nước của họ bị hủy do các vấn đề an ninh.

Sau những vụ việc trên, ông Zaazou cho biết Ai Cập đã thực hiện thành công xúc tiến du lịch tại Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác, cũng như đang nỗ lực phát triển du lịch nội địa, đồng thời nhấn mạnh rằng du khách sẽ quay trở lại Ai Cập trong năm 2016.

Về phần mình, Bộ trưởng Du lịch Maroc Lahcen Haddad cho biết nước này đang nỗ lực phát triển du lịch nội địa để bù đắp lượng du khách nước ngoài sụt giảm.

Hiện nay, thị trường nội địa chiếm 33% hoạt động du lịch của nước này, so với 25% năm 2012. Điều đó khuyến khích nhiều nhà đầu tư ở lại Maroc để đầu tư nhiều hơn nữa dù khủng hoảng nổ ra từ giữa năm 2014.

Nhiều việc làm đã được tạo ra và có nhiều tập đoàn khách sạn đến Maroc kinh doanh, chẳng hạn như tập đoàn Movenpick (Thụy Sỹ) đã mở khách sạn thứ ba vào cuối năm 2015 tại nước này ở thành phố Marrakech, khu du lịch lớn nhất của Maroc.

Ngoại trừ vụ tấn công nhằm vào du khách tại Marrakech năm 2011, Maroc được biết đến là một nơi yên bình từ hơn 10 năm qua. Lượng du khách đến nước này năm 2015 đã bị giảm xuống sau vụ tấn công khủng bố vào Sousse (Tunisia) làm 38 người thiệt mạng.

Tổ chức Du lịch Thế giới (OMT) dự báo lượng du khách nước ngoài đến Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng gấp ba lần, đạt 195 triệu khách vào năm 2030, và đồng thời nhấn mạnh việc cải thiện tình hình an ninh và hình ảnh của khu vực này là một thách thức lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục