Do bất ổn an ninh và chính trị, lượng khách du lịch quốc tế đến Ai Cập chỉ đạt 9,4 triệu lượt với tổng doanh thu khoảng 6 tỷ USD trong năm 2013, giảm mạnh so với mức 11,5 triệu lượt khách và 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2012.
Báo cáo của Cơ quan Huy động và Thống kê Ai Cập (CAPMAS) cho biết trong tháng 12/2013, quốc gia Bắc Phi này chỉ đón 678.000 lượt khách du lịch quốc tế, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng số đêm lưu trú của du khách quốc tế cũng sụt giảm 63,1% xuống còn 5,1 triệu so với mức 13,9 triệu trong cùng kỳ năm trước.
Cuối tháng 1 vừa rồi, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Hisham Zaazou cho biết năm 2013 là một trong những năm "tồi tệ nhất" đối với ngành du lịch nước này. Cho tới cuối tháng 12/2013, chỉ 27 quốc gia trên toàn thế giới thông báo nới lỏng hoặc dỡ bỏ cảnh báo du lịch đến Ai Cập được đưa ra sau các cuộc bạo loạn hồi trung tuần tháng Tám vừa qua.
Trong năm nay, Ai Cập đặt mục tiêu đón 13 triệu du khách quốc tế và doanh thu khoảng 11 tỷ USD, ngang bằng so với mục tiêu đặt ra cho năm 2013.
Với nhiều di tích nổi tiếng như các kim tự tháp - một trong bảy kỳ quan cổ đại của thế giới còn tồn tại hiện nay, cũng như các khu đền đài, lăng mộ có tuổi đời hàng nghìn năm tại Luxor, Aswan và một nền văn hóa truyền thống đặc sắc của người Arập, hàng năm Ai Cập thu hút trên 10 triệu khách du lịch quốc tế.
Cùng với kênh đào Suez - tuyến đường thủy chiến lược nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, ngành công nghiệp không khói này được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của Ai Cập và tạo việc làm cho khoảng 1/8 dân số.
Đỉnh điểm là vào năm 2010, quốc gia Bắc Phi này đón 14,7 triệu lượt du khách nước ngoài với nguồn thu lên tới 13 tỷ USD, đóng góp tới hơn 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 20% nguồn thu ngoại tệ của đất nước.
Tuy nhiên, sự kiện "Mùa Xuân Arập" tràn qua cùng với bất ổn chính trị trong thời gian sau đó đã khiến lượng du khách sụt giảm gần 1/3 xuống còn 9,8 triệu người trước khi phục hồi lại ở mức 11,5 triệu vào năm 2012.
Trong bối cảnh ngành du lịch của Ai Cập đang có dấu hiệu phục hồi khả quan với mức tăng 12% trong 5 tháng đầu năm 2013, bất ổn chính trị lại tiếp tục bùng phát và lan rộng với làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ, dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hôm 3/7./.