Ngành đóng tàu đối mặt nỗi lo thiếu nhân lực khi đơn hàng 'nối dài'

Các nhà máy đóng tàu đã tiếp nhận nhiều đơn hàng đóng mới nhưng không thể mở rộng được công suất bởi thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề.
Lượng đơn hàng đóng tàu mới dồi dào khi nhu cầu vận tải biển tăng và phục hồi so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Những tiếng hàn xoẹt xoẹt, chớp lóe ánh sáng xanh, khói sộc lên sau từng đường hàn, qua chiếc mũ bảo hộ có gắn kính ôm trọn cả khuôn mặt tới cổ, ông Nguyễn Văn Tuấn, công nhân phân xưởng vỏ tàu 1, Công ty đóng tàu Nam Triệu bảo: “Đơn hàng đóng tàu nhiều, cánh công nhân như chúng tôi làm không xuể”.

Tuy nhiên, nghich lý là hầu hết các doanh nghiệp đóng tàu hiện nay mặc dù không hết việc nhưng lại không dám nhận thêm đơn hàng mới do thiếu nhân lực.

Đơn hàng dồi dào, làm không hết việc

Là thợ có bậc cao nhất (bậc 5/5), gắn bó với ngành đóng tàu gần như cả cuộc đời, thời gian gần đây, công việc thường ngày của ông Tuấn là đóng gam tàu cỡ 65.000 tấn cho đối tác nước ngoài.

Theo ông Tuấn, sau đại dịch COVID-19, lượng đơn hàng dồi dào hơn cho nhà máy đóng tàu khi nhu cầu vận tải biển tăng và phục hồi so với thời kỳ trước đó. Chính vì vậy, lượng công nhân tại phân xưởng làm việc luôn tay và không khí lúc nào cũng rất khẩn trương nhằm hoàn thiện sớm sản phẩm để bàn giao.

“Nếu làm thêm ngoài giờ chính 3 tiếng sẽ được tính thêm 1 công. Có những ngày, tôi được chấm 2 công, mỗi công tính 400.000 đồng. Công việc tuy vất vả nhưng đổi lại có tính ổn định nên một số lao động cũng hồ hởi làm thêm giờ,” ông Tuấn nói.

[Hơn 100 doanh nghiệp quy tụ tại triển lãm hàng hải và đóng tàu]

Chỉ tay về Seri tàu chở hàng 24.500 tấn với chiếc tàu số 1 chuẩn bị hạ thủy, chiếc số 2 đang đấu đà, dự kiến sẽ hạ thủy vào tháng 11/2023, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long cho biết đơn vị tiếp tục ký hợp đồng đóng mới tàu chở hàng 45.000 tấn cùng với đó là nhiều loại tàu hàng, sà lan, tàu vỏ nhôm, tàu thu hoạch hải sản cho chủ tàu nước ngoài; các loại tàu chở khách, du thuyền viễn dương, tàu ngủ đêm trên Vịnh.

Công ty đóng tàu Hạ Long đóng mới một số loại tàu chở khách, du thuyền viễn dương, tàu ngủ đêm trên Vịnh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đóng tàu Sông Cấm cho hay mấy năm gần đây đơn hàng của công ty nhiều hơn, mỗi năm đóng khoảng 30 tàu kéo, nếu cần thêm sản phẩm đóng mới, đối tác sẵn sàng cung cấp, quan trọng là phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn lao động, chất lượng, tiến độ.

Theo ông Phùng Văn Khôi, cố vấn ban lãnh đạo kiêm trợ lý Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Nam Triệu, thị trường hàng hải quốc tế đang phục hồi, thời gian dài đội tàu bắt đầu cũ và buộc phải “trẻ hóa” đội tàu bằng tàu mới, điều đó đã tạo cơ hội cho ngành đóng tàu.

“Những nhà máy đóng tàu lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã ký đủ hợp đồng đóng tàu đến 2026-2027 và nhận gam tàu lớn, còn tàu nhỏ sang các nước như Việt Nam, Indonesia. Ngoài tàu hàng còn đóng tàu dầu nên công ty không dám nhận quá nhiều tàu vì điều kiện nhân lực hạn chế,” ông Khôi thừa nhận.

Khó mở rộng công suất, từ chối nhiều đơn tàu

Lãnh đạo nhiều công ty đóng tàu đều chua chát thừa nhận thiếu hụt nguồn nhân lực lao động là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều đơn vị đóng tàu không thể mở rộng công suất.

Ông Khôi chỉ ra nguyên nhân điều kiện làm việc của công nhân đóng tàu nặng nhọc hơn ngành nghề khác nên người lao động nhất là lao động trẻ không còn mặn mà dù thu nhập tương đối ổn định.

“Nhiều trường đào tạo nghề như thợ hàn không tuyển được học viên. Công ty đóng tàu Nam Triệu sẵn sàng tuyển thợ từ các trường dạy nghề, miễn các chi phí trong quá trình thực tập để thu hút người hoàn thành khóa học ở lại nhà máy nhằm có thêm lao động tay nghề,” ông Khôi nói.

Thiếu hụt nguồn nhân lực lao động là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều đơn vị đóng tàu không thể mở rộng công suất. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long, giãi bày công nhân đóng tàu đòi hỏi kinh nghiệm, thường 2-3 năm mới thạo việc, lao động mới tuyển dụng vào khó đáp ứng được công việc ngay mà cần thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, công ty không dám nhận thêm hợp đồng đóng mới tàu trong nước vì đã gần hết năng lực, không mở rộng thêm vì không có người làm.

[Ngành công nghiệp đóng tàu đứng trước nguy cơ ‘chảy máu’ lao động]

Ông Joris Van Tienen, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Damen Sông Cấm cho biết thị trường lao động tại nhiều nhà máy đóng tàu đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn nhất là từ các khu công nghiệp. Đơn cử như tại Hải Phòng, một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử thu hút lượng lao động lớn, không đòi hỏi lao động có kỹ năng đặc biệt, môi trường làm việc lại tốt hơn.

Ngoài ra, một khó khăn khiến các nhà máy đóng tàu không thể tiếp nhận, mở rộng công suất bởi hầu hết đơn vị đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) không vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, không được ngân hàng bảo lãnh theo thông lệ khi ký kết hợp đồng với chủ tàu nước ngoài, dẫn đến không tiếp nhận được những đơn hàng đóng tàu xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục