'Ngành dệt may phản ứng rất thụ động trong công tác quản lý hóa chất'

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp dệt may thường chỉ chú trọng tới việc bán sản phẩm và có phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất.
Các doanh nghiệp dệt may thường có phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN)

Dệt may được đánh giá là ngành công nghiệp đứng thứ 2 về gây ô nhiễm nguồn nước, bởi các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng tới việc bán sản phẩm và có phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất. Thời gian qua, nhiều vụ xả thải, gây tác động xấu đến môi trường đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, bức tranh "ô nhiễm môi trường nước" vẫn đáng lo ngại.

Để hạn chế tác động xấu tới môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng ngành dệt may cần phải thay đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh.” Trước tiên là phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh; đặc biệt là xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất...

Chỉ quan tâm khi xảy ra sự cố

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tính đến năm 2017, tổng số doanh nghiệp dệt may cả nước đạt xấp xỉ 7.000 doanh nghiệp. Trong đó có 5.101 doanh nghiệp gia công hàng may mặc (chiếm tỷ lệ 85%); 780 doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm hoàn tất (chiếm tỷ lệ 13%); 119 doanh nghiệp sản xuất bông, xơ, sợi (chiếm 2%).

Ở Việt Nam, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng từ 500 - 2.000kg/tấn sản phẩm. Trong đó có cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, đa số các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm của mình và thường có phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất.

Về mặt môi trường, ngành công nghiệp thời trang được xác định là một trong các đối tượng gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường đáng kể, là ngành công nghiệp thứ hai trên thế giới về gây ô nhiễm nguồn nước; ngành thứ năm gây ô nhiễm môi trường về mức độ phát thải khí nhà kính; sử dụng nhiều hóa chất độc hại...

Bà Phan Quỳnh Chi, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhận định các doanh nghiệp dệt may thường chỉ chú trọng tới việc bán sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến công tác này sau khi có sự cố xảy ra hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất ở doanh nghiệp.

[Vụ cháy ở công ty Rạng Đông: Vận chuyển hơn 50 tấn phế thải đi xử lý]

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính, mỗi năm, dệt nhuộm sử dụng 1/4 lượng hóa chất toàn thế giới và 1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do ngành công nghiệp dệt nhuộm thải ra. Các hóa chất nguy hại là độc tố tiêu diệt thủy sinh vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành dệt may đang có cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, đứng trước nỗi lo về các hệ lụy môi trường mà các nhà máy dệt nhuôm gây ra đã khiến nhiều địa phương lo ngại.

Mặc dù các văn bản pháp luật đã quy định, các công ty dệt nhuộm phải có hệ thống xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn môi trường, nước thải trước khi xả ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cho phép, nhưng rất ít công ty đạt được. Bởi để đạt được tiêu chuẩn này, nhà máy xử lý nước thải phải hiện đại và có công suất đủ lớn.

Hệ quả là đã có rất nhiều các công ty trong lĩnh vực dệt nhuộm vi phạm các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường.

Có thể kể ra một số vụ vi phạm về xả thải gây ô nhiễm xảy ra trong thời gian qua như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mei Sheng Textiles Việt Nam (Trung Quốc) tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đã 7 lần bị niêm phong do xả thải trái phép. Công ty này đã tự ý xây dựng phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm. Xả thải chưa qua xử lý ra hồ Đá Đen, nơi cung cấp nước sạch cho 90% người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hay như Công ty PangRim Neotex tại tỉnh Phú Thọ, từ năm 2010 đến năm 2016, Cảnh sát Môi trường đã nhiều lần phát hiện doanh nghiệp này xả nước thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra sông Hồng. Các chất hữu cơ, kim loại nặng trong nước thải của Công ty này đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Trong năm 2017, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn dệt Pacific Crystal có địa chỉ tại Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành, về hành vi xả nước thải có những thông số vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường, với số tiền phạt 672 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp khắc phục…

Điều đáng nói là, mặc dù các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở dệt, nhuộm gây ô nhiễm nhưng nguy cơ về sự cố môi trường do dệt, nhuộm gây ra vẫn là nỗi lo thường trực đối với người dân, làm đau đầu các nhà quản lý.

Nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ quan tâm đến công tác này sau khi xảy ra các sự cố. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN)

Kiểm soát chặt chẽ việc cất giữ hóa chất

Để hạn chế tác động môi trường trong lĩnh vực dệt may, tại Hội thảo “Hướng dẫn Quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam” vừa diễn ra mới đây, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng ngành dệt may cần phải thay đổi mô hình sản xuất để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để có chương trình hành động cụ thể, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may; đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, quá trình vận chuyển và cất giữ hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng đã xây dựng, thực hiện các chính sách về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm như: Xác định các khu vực được phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm; yêu cầu xử lý và quan trắc nước thải; xây dựng tiêu chuẩn xả thải mới; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường...

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bền vững, bên cạnh việc tăng cường thể chế, thực thi cần có cơ chế bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho bảo vệ môi trường và phát triển. Trong đó, hướng đến ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường.

[Việt Nam nỗ lực loại bỏ các chất độc hại ảnh hưởng tới tầng ozone]

Chia sẻ về cuốn tài liệu “Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam,” Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Nguyễn Thị Phương Mai, cho biết, ngành nhuộm là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nước thải và ô nhiễm mùi.

Hiện tại, hầu hết các dây chuyền nhuộm, kể cả những dây chuyền hiện đại mới đầu tư đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 - 20 năm. Số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm 15-20%; công nghệ hiện đại, tự động hóa chiếm 10-15%.

Trong khi đó, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng 500-2.000kg/tấn sản phẩm (ước khoảng 9 triệu tấn/năm), có cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên thường có phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất.

Do đó, việc phát hành tài liệu “Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam” là một trong những bước đầu tiên, cụ thể để hiện thực hóa chính sách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, cuốn tài liệu cũng nhằm góp phần hướng dẫn xây dựng, tổ chức, thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh, tránh làm phát sinh phụ phẩm, phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục