Ngành dệt may Campuchia trước sức ép cạnh tranh trong khu vực

Hiệp hội dệt may Campuchia cho biết ngành công nghiệp may mặc nước này đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam và Indonesia.
(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Hiệp hội dệt may Campuchia (GMAC) cho biết, ngành công nghiệp may mặc Campuchia đang gặp phải những khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam và Indonesia.

Theo GMAC, ngành công nghiệp dệt may Campuchia có những bất lợi trong cạnh tranh với các nước về năng suất lao động, tiền lương công nhân...

Nếu lấy chỉ số năng suất của các nhà máy dệt may Trung Quốc là 100%, thì hiệu quả năng suất lao động của Campuchia thấp hơn 1/3 khi chỉ đạt 60% thang chỉ số, trong khi đó ở Indonesia, Việt Nam đều có mức năng suất cao trên 80%.

Riêng Bangladesh có mức năng suất thấp hơn (50%), nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu may mặc đạt 25 tỷ USD trong một năm, Việt Nam cũng đạt trên 21 tỷ USD/năm, còn Campuchia chỉ đạt 5,5 tỷ USD mỗi năm.

Một nguyên nhân khiến năng suất lao động ngành may mặc Campuchia thấp và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành này là số ngày nghỉ của công nhân Campuchia được hưởng lương cao hơn so với các nước.

Cụ thể, ngày nghỉ lễ, Tết được hưởng lương trong năm là 27 ngày và ngày nghỉ hưởng theo quy định luật là 18 ngày.

GMAC cũng đang lo ngại về việc sắp tới đây sẽ tiếp tục gặp phải khó khăn trong sản xuất và phát triển do sự điều chỉnh mức lương mới của công nhân tăng 28% vào đầu năm tới.

Mức lương tối thiểu hiện nay của công nhân Campuchia theo luật là 145 USD/tháng. Theo ông Ken Loo, Tổng thư ký GMAC, năng suất lao động thấp và mức lương tăng cao đang trở thành vấn đề khó khăn lớn mà ngành dệt may Campuchia đang phải đối mặt trong quá trình cạnh tranh và xuất khẩu.

Để giải quyết vấn đề này, GMAC đang nỗ lực đề ra chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân để giúp tăng năng suất lao động và tiến tới hiện đại hóa ngành công nghiệp may mặc.

GMAC cũng đề nghị có sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc hỗ trợ phát triển như về vấn đề giá điện và hệ thống cơ sở giao thông phục vụ quá trình vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cần có chiến lược với GMAC trong các cuộc thảo luận tới.

Theo GMAC, xuất khẩu hàng may mặc và giày da của Campuchia quý ​1/2015 tăng 8,97% so với cùng kỳ năm trước đạt 1,7 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục