Ngành dầu mỏ Venezuela đang 'oằn mình' trước các lệnh trừng phạt

Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, sản lượng khai thác dầu mỏ của Venezuela suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh nước này đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội.
Trạm bán xăng chi nhánh Citgo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) ở Washington, DC, ngày 31/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dầu mỏ luôn được coi là một mặt hàng trụ cột của nền kinh tế Venezuela khi chiếm tới hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, sản lượng khai thác dầu mỏ của Venezuela suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh nước này đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội.

Mới đây nhất, chính quyền Mỹ đã quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu khí Venezuela để gia tăng sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực.

Và những biện pháp trừng phạt này tất nhiên sẽ tác động tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela.

[Venezuela cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ dẫn đến khủng hoảng kinh tế]

Theo báo chí Mỹ Latinh, các biện pháp trừng phạt của Washington không cho phép các công ty của Mỹ làm ăn với Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) và phong tỏa toàn bộ tài sản của công ty này ở Mỹ.

Mặc dù lệnh trừng phạt của Washington không ngăn cản hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Venezuela, song lại yêu cầu các khoản thanh toán phải trả vào các tài khoản mà PDVSA không thể tiếp cận (vì đã bị phong tỏa).

Chính vì vậy, chính phủ Venezuela sẽ không thể tiếp cận được với nguồn thu từ việc bán dầu thô sang Mỹ bởi vì tất cả các tài khoản của PDVSA đều đã bị phong tỏa. Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng tới việc PDVSA tiếp cận được với các loại hóa chất cần thiết trong quá trình xử lý dầu thô từ các công ty của Mỹ.

Dầu thô mà Venezuela khai thác là loại nặng và siêu nặng, nên Venezuela cần phải mua các loại hóa chất có thể giúp chuyển hóa những loại dầu này trở nên nhẹ hơn và có thể xuất khẩu được.

Theo một số nguồn tin, Venezuela đang chuyển hướng sang hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga để nhập khẩu các loại hóa chất cần thiết này. Hiện nay một số tàu chở dầu lớn có khả năng vận chuyển tới 10 triệu thùng dầu/lần đang neo đậu tại bờ biển Venezuela.

Những chiếc tàu này trước đây vẫn được sử dụng để đưa dầu thô của Venezuela sang Mỹ, song kể từ khi Washington áp lệnh trừng phát mới thì số tàu này dường như không hoạt động.

Theo thông báo của chính phủ Venezuela, nước này đang tìm kiếm các đối tác mới tiêu thụ dầu thô, trong đó Ấn Độ có thể tăng gấp đôi sản lượng nhập khẩu dầu từ quốc gia Nam Mỹ này.

Mặc dù vậy, theo nhận định của chuyên gia dầu mỏ Samah Ahmed, kể cả hai bên có đạt được cam kết như trên thì đây cũng không phải là một con số tăng đáng kể.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Venezuela sang Trung Quốc cũng không có dấu hiệu khả quan và trên thực tế thì dường như lượng dầu xuất khẩu sang quốc gia châu Á này còn giảm đi do sản lượng khai thác tại Venezuela suy giảm.

Hơn nữa, việc bán dầu sang châu Á cũng đồng nghĩa với việc chi phí vận chuyển sẽ tăng lên bởi vì các cảng biển của Venezuela phần lớn không đủ các trang thiết bị để vận chuyển các loại thùng dầu lớn phục vụ cho các chuyến di chuyển đường xa.

Mặc dù vậy, nhu cầu về dầu thô nặng như của Venezuela trên thị trường thế giới hiện vẫn rất lớn. Thậm chí cuộc khủng hoảng tại Venezuela cũng khiến cho giá dầu thô nặng trở nên đắt đỏ hơn với Mỹ, nơi các công ty nhập khẩu của Mỹ cũng cần phải tìm kiếm nhà cung cấp dầu thô nặng mới để có thể tăng sản xuất dầu diesel và xăng máy bay.

Dù vậy, nỗ lực của Venezuela tìm kiếm được những thị trường mới cũng khó có thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Rõ ràng những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh lên nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục