Ngành Công Thương khắc phục hạn chế trong cải cách hành chính

Đến thời điểm này, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.
Ngành Công Thương khắc phục hạn chế trong cải cách hành chính ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dichvucong.moit.gov.vn)

Nhằm quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” và coi nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như chương trình cải cách hành chính; trong đó có việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngành.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cho biết năm 2021 sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giải quyết cải cách hành chính cũng như ban hành kịp thời các kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch về cải cách hành chính của Chính phủ và đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại Bộ Công Thương.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021 này Bộ sẽ triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 của Bộ Công Thương.

Cùng với đó, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ đầu mối về cải cách hành chính; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách cũng như đầu mối về cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

[Bộ Công Thương xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa 9 mục tiêu]

Ngoài ra, Bộ còn đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính ngay từ khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thực hiện công bố, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính do Bộ Công Thương cung cấp.

Mặt khác, Bộ triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương.

Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, tổ chức; tăng cường kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN…

Bộ Công Thương cho hay với chức năng nhiệm vụ là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra khoảng từ 60-70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh tương đối lớn.

Theo thống kê đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh.

Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu với Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 9 Nghị định trong năm 2017 và năm 2018.

Đáng lưu ý, với việc Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 09 Nghị định nêu trên ở trong năm 2017 và năm 2018, theo đó, Bộ Công Thương là Bộ tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, chiếm tỷ lệ 55,5%.

Riêng trong các năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/02/2020 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ôtô, kinh doanh khí, khoáng sản.

Như vậy, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện, chiếm trên 70%.

Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm.

Ngành Công Thương khắc phục hạn chế trong cải cách hành chính ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cũng trong năm 2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 53 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý. Vì vậy, với 444 thủ tục hành chính hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 147 thủ tục hành chính; trong đó 130 thủ tục thực hiện ở cấp tỉnh; 15 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện, 2 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.

Đến thời điểm này, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.

Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 220 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn; trong đó có 159 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 61 dịch vụ công mức độ 4. Đến nay, đã có gần 36.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Riêng đối với thủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại, mặc dù đã được phân cấp về các địa phương, Bộ cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm đầu mối, triển khai thủ tục này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ khai báo một lần duy nhất cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử đến các Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh (thay vì khai báo trên từng tỉnh như trước đây).

Từ 1/1/2020 đến nay, các doanh nghiệp đã khai báo điện tử hơn 10.059 bộ hồ sơ điện tử đối với thủ tục này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục