Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ cho giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện các chính sách, bảo đảm hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực mà bộ, ngành Công Thương được phân công.
Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương cho biết việc cải cách thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn xây dựng thể chế với ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định nên thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Theo Vụ Pháp chế, các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương xây dựng, soạn thảo trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền phần lớn đều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cũng như quy định rõ về thời gian cơ quan Nhà nước phải hoàn thành để trả kết quả cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Mặt khác, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật về Công Thương đã phân cấp rất mạnh cho địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.
Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương được đẩy mạnh trên tinh thần giải quyết tất cả những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công thương, đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính nhằm xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước và thực tiễn đặt ra, được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh.
[Doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền các cấp tiếp tục thúc đẩy cải cách]
Cũng theo Vụ Pháp chế, giai đoạn từ năm 2010, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” đối với tất cả các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý tại Phòng Tiếp nhận và trả kết quả của Bộ (bộ phận một cửa).
Ngoài ra, từ đầu năm 2014 đến nay, 100% văn bản quy phạm pháp luật 19 văn bản có thủ tục hành chính được Vụ Pháp chế thẩm định đã có lấy ý kiến về thủ tục hành chính và đánh giá tác động khi phát sinh. Về cơ bản, các ý kiến tham gia về quy định thủ tục hành chính đều được tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Trong chương trình cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương. Với quan điểm quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm từ 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kết quả, qua các lần cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tính đến năm 2020, Bộ Công Thương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện chiếm 70%.
Hiện nay, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, các ý kiến phản ánh trực tiếp của doanh nghiệp, người dân thời gian qua đều bày tỏ, sự cải cách của Bộ Công Thương đã mang lại những lợi ích thiết thực cho họ, như điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường./.