Mặc dù kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất ở nhiều nước dẫn tới tổng cầu thế giới giảm sút..., song với nhiều giải pháp đồng bộ, trong năm 2022, ngành công thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… đều ghi nhận mức tăng trưởng cao, tạo động lực quan trọng vào việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Điểm sáng xuất khẩu
Thông tin tại buổi họp Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 26/12, tại Hà Nội, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (với kế hoạch đề ra tăng từ 8,5-9%).
[Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2022]
Cùng đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4-7,3%).”
Đáng chú ý, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ rõ, năm vừa qua, hai Bộ đã có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ để thực hiện sự phối hợp chung.
Đơn cử, khi nông sản ùn tắc tại một số cửa khẩu, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ và đích thân các lãnh đạo Bộ, trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần lên biên giới để cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản.
“Năm 2022, ngành nông nghiệp tăng trưởng trên 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD, thặng dư 10 tỷ USD. Kết quả này có sự hỗ trợ của các tham tán thương vụ các thị trường nước ngoài nói riêng và Bộ Công Thương trong tháo gỡ khó khăn, giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
- Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những năm gần đây:
Tuy vậy, để giảm bớt chi phí sản xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương nỗ lực quan tâm phối hợp giải quyết vấn đề chi phí logistics ngành nông sản để giảm chi phí cho hàng hóa. Thêm nữa, cần tăng cường công tác an ninh an toàn thực phẩm, đặc biệt ở chợ đầu mối để lan tỏa ra các chợ nông thôn.
Tập trung cho kinh tế xanh
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023 ở mức 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư...
Với mục tiêu trên, Bộ Công Thương cũng đề ra nhiều giải pháp, tập trung chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo sự chủ động nâng cao năng suất lao động, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các khu vực, các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp bền vững.
Bộ trưởng Cộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông khẳng định việc chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới, cũng như tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng và các mặt hàng xuất khẩu...
- Năm 2022, Việt Nam xuất siêu khoảng 11 tỷ USD:
Ngoài ra, để thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp này có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng...
Trong khi đó, về phía Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, trong bối cảnh thế giới có những thay đổi căn bản và định hướng phát triển đất nước có nhiều đổi mới, cần nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược mới trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Ông đề nghị năm 2023, cần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và tình hình thực hiện trong giai đoạn 2016-2022 Chiến lược về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường phối hợp, đề xuất chủ trương đối với các sáng kiến do các nước lớn khởi xướng, các khuôn khổ liên kết gắn với nội hàm mới về kinh tế số, chuỗi cung ứng, năng lượng.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tranh thủ cơ hội đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, thu hút nguồn vốn, công nghệ, tri thức phục vụ chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.
“Tranh thủ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, phối hợp vận động, xúc tiến đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng và quy hoạch kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, bán dẫn và các ngành có giá trị gia tăng cao,” ông đề xuất./.