Ngành công thương chủ động hàng hóa và ổn định giá cả sau mưa bão

Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo kịp thời và ổn định nguồn cung hàng hóa nên giá các mặt hàng thực phẩm vẫn được duy trì ổn định sau mưa bão.
Ngành công thương chủ động hàng hóa và ổn định giá cả sau mưa bão ảnh 1Rau quả bán tại siêu thị. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Tại các tỉnh miền Bắc nhiều ngày nay phải đối mặt với mưa lớn kéo dài, cũng bởi vậy, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá rau xanh và một số loại thực phẩm đã tăng mạnh. Dự báo, nếu trời tiếp tục còn mưa thì giá rau xanh sẽ còn tăng do lượng cung ra thị trường giảm.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo kịp thời và ổn định nguồn cung nên tại các siêu thị giá các mặt hàng thực phẩm vẫn duy trì ổn định.


Đảm bảo nguồn cung

Trên địa bàn Hà Nội những ngày sau bão hầu hết các loại rau củ và thực phẩm tươi sống đều có xu hướng tăng, nhất là các loại rau gia vị như hành lá, thìa là, mùi thơm do không phù hợp với thời tiết mưa nên dễ bị dập nát.

Theo chia sẻ của các chủ sạp rau tại một số chợ 8/3, Quỳnh Mai, Hôm-Đức Viên nguyên nhân giá rau xanh tăng vọt là do mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích rau xanh bị ngập úng, hư hỏng khiến việc thu hoạch gặp khó khăn. Không những thế, thời tiết mưa bão không thuận lợi cũng khiến việc vận chuyển rau cũng vất vả hơn trước nên chi phí từ đó tăng cao.

[Hà Nội: Giá rau, thực phẩm tăng mạnh do ảnh hưởng mưa bão]

Dù giá tăng nhưng các tiểu thương cho biết không có rau để bán vì lượng rau hỏng nhiều khiến lượng rau được phân bổ về các chợ rất ít. Thậm chí có những ngày các chủ sạp hàng phải giành nhau số lượng để có hàng bán trong ngày.

Bên cạnh mặt hàng rau xanh, một số loại thực phẩm tươi sống cũng tăng nhẹ bởi thời tiết bất thường khiến cho việc đánh bắt không được thuận lợi như trước. Đơn cử như cá, tôm, ghẹ…tại các chợ hầu hết đều lên vài giá. Riêng mặt hàng thịt lợn lại đang ổn định ở mức 85.000 đồng/kg thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò; nạc thăn giá 100.000 đồng/kg. Thịt bò có giá từ 250.000 -300.000 đồng/kg, thịt gà giá 140.000-150.000 đồng/kg.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, nhìn chung trên phạm vi cả nước công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, mặc dù thời tiết thất thường, mưa rất lớn trên diện rộng, nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng hàng hóa đưa về các chợ đầu mối và hệ thống phân phối tại các siêu thị trên địa bàn cả nước. Nguyên nhân chính là nhờ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng đã có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng nhằm ổn định giá bán, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhờ vận dụng tốt chuỗi liên kết nên ngay cả các hợp tác xã nông nghiệp chuyên cung cấp rau quả cho chương trình bình ổn giá phải tính toán thật kỹ việc trồng rau gì, ở đâu nhằm ổn định sản xuất, bảo toàn nguồn cung cho thị trường. Mặt khác, các hợp tác xã cũng đã tính đến việc tăng diện tích gieo trồng để đề phòng nếu mưa lớn kéo dài vẫn có đủ lượng hàng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ.

Tại các doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Vissan, Saigon Food… cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để đáp ứng kịp thời ra thị trường. Bởi theo họ, thị trường đang bước vào giai đoạn mua sắm thấp điểm nên lượng hàng hóa tiêu thụ rất chậm.

Để tránh tình trạng ùn ứ, nhất là ở nhóm hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, các doanh nghiệp đang theo dõi sát sức mua và nhu cầu thị trường để cung ứng lượng hàng hóa vừa đủ, đồng thời lên kế hoạch phát triển tổng đàn cho những tháng cuối năm.

Ổn định thị trường

Tại phiên họp thường kỳ mới đây, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, những tháng cuối năm thị trường có thể có những biến động do tình hình mưa bão. Dù vậy, một số mặt hàng thiết yếu đã được chuẩn bị chu đáo và tương đối dồi dào về nguồn cung nên sẽ không có những biến động lớn.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết tại siêu thị Co.opmart vẫn chưa điều chỉnh tăng giá bán bất cứ mặt hàng nào. Chủ trương của siêu thị là phối hợp với các nhà cung cấp giữ giá và giảm giá để giảm áp lực chi tiêu của người tiêu dùng.

Mặt khác, siêu thị cũng chưa nhận được đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Trong trường hợp có đề nghị tăng giá, Saigon Co.op sẽ xem xét cẩn trọng trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Các nhóm hàng thiết yếu như đường, thịt, trứng, gạo… vẫn được hệ thống Co.opmart đảm bảo ổn định giá theo đúng cam kết với thành phố.

Để kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh lượng hàng tồn, thu hồi vốn để chuẩn bị bước vào đợt sản xuất cao điểm cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các nhà cung cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà phân phối đưa thêm các mặt hàng vào diện khuyến mãi, giảm giá.

Ngành công thương chủ động hàng hóa và ổn định giá cả sau mưa bão ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước áp dụng giảm giá mạnh cho hơn 3.000 sản phẩm thương hiệu Co.opmart do siêu thị phối hợp các thương hiệu uy tín trong nước sản xuất. Đây được xem là đợt giảm giá bán hàng nhãn riêng lớn nhất trong năm của Saigon Co.op.

Bên cạnh đó, tại các hệ thống phân phối lớn khác như Big C, Lotte Mart, Aeon Mall, Aeon Citimart… cũng đang thực hiện các chiến lược khuyến mãi đối với nhiều mặt hàng để kích cầu; trong đó khuyến mãi ấn tượng nhất là giảm giá bán tới 50% đối với nhóm các mặt hàng gia dụng. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng có thể mua sắm được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá rẻ.

Ông Bùi Trầm Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, ngành công thương luôn chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết để khi có sự điều động sẽ cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời.

Hơn nữa, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tăng cường nắm bắt tình hình thị trường, không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng để phục vụ bà con vùng bão, lũ. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2017 theo yêu cầu của UBND tỉnh và ngành công thương giao.

Nhằm đảm bảo thị trường ổn định, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị do đang trong mùa mưa bão lũ nên các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ kinh phí phòng chống thiên tai.

Trong trường hợp gặp khó khăn về nguồn hàng, cần thông báo ngay cho Bộ Công Thương để thực hiện việc điều tiết hàng hóa kịp thời cho các vùng dân cư bị cô lập khi bị ngập lụt, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.

Mặt khác, để chuẩn bị nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng các dịp lễ, tết cuối năm, các địa phương cần lên kế hoạch chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, chủ động nguồn cung, tránh tăng giá cục bộ.

Đặc biệt, các Bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành thị trường và giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội với công tác điều hành, bình ổn thị trường hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục