Ngành công nghiệp Pháp dồn sức sản xuất máy thở và vật tư y tế

Liên danh bốn tập đoàn lớn của Pháp cam kết sẽ sản xuất, với giá không lợi nhuận, các máy thở Osisis và T60 mà các bệnh viện đã quen dùng.
Nhân viên y tế sơ tán bệnh nhân mắc COVID-19 từ một bệnh viện ở Mulhouse. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế sơ tán bệnh nhân mắc COVID-19 từ một bệnh viện ở Mulhouse. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ Dyson đến General Motors, từ Renault đến JCB, từ PSA đến Schneider, tất cả các "ông lớn" công nghiệp của Pháp đã nhanh chóng tham gia vào dây chuyền sản xuất máy thở nhân tạo, chung tay góp sức cùng các nhà sản xuất truyền thống như GE Health của Mỹ, Air Liquide của Pháp, Getinge của Thụy Điển hay Dräger của Đức.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan với tốc độ nhanh, các bệnh viện của Pháp phải đối mặt với nguy cơ thiếu máy thở và tệ hơn nữa là thiếu bình oxy y tế.

Tại một số bệnh viện trong vùng tâm điểm của dịch như Ile-de-France, một máy thở thậm chí được sử dụng chung cho hai bệnh nhân. Bệnh viện Robert Ballanger hiện đang dùng 30 bình oxy mỗi ngày, thay vì sáu bình như trước đây.

Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế, Air Liquide - nhà sản xuất máy thở nhân tạo và oxy y tế duy nhất ở Pháp - đã tăng gấp bốn lần sản lượng của nhà máy Antony, từ 250 thiết bị mỗi tháng trước đây lên 1.000 thiết bị hiện nay.

Một nhà máy khác của Air Liquide, chuyên sản xuất thiết bị hỗ trợ thở không xâm lấn, đã có kế hoạch tăng sản lượng từ 200 lên 600 máy mỗi tháng. Tuy vậy, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt.

[Tầm quan trọng của máy thở trong việc điều trị bệnh COVID-19]

Để trợ giúp cho Air Liquide, một tổ hợp đặc biệt đã được thành lập với sự tham gia của ba tập đoàn công nghiệp ôtô là Valéo, PSA và Schneider. Qua đó, một chuỗi cung ứng được thiết lập với hơn 140 nhà thầu phụ sẽ cung cấp khoảng 300 đến 400 loại linh kiện cần thiết.

Nhờ vậy, Air Liquide cam kết sản xuất 10.000 máy thở nhân tạo từ nay đến giữa tháng Năm.

Liên danh bốn tập đoàn lớn của Pháp cam kết sẽ sản xuất, với giá không lợi nhuận, các máy thở Osisis và T60 mà các bệnh viện đã quen dùng.

Điều này sẽ tiết kiệm thời gian so với các sáng kiến khác đang được triển khai bởi CEA với Renault, các công ty khởi nghiệp hoặc các nhà sản xuất khác.

Mục tiêu là đạt 4.500 máy thở vào ngày 15/4, với mức giá từ 3.500 đến 10.000 euro (khoảng 3.820-10.920 USD) tùy mẫu. Để so sánh, một nhà sản xuất Trung Quốc đang rao bán thiết bị này với giá 30.000 euro, trong khi nhu cầu tăng gấp 10 trên thế giới.

Bên cạnh đó, Air Liquide đảm bảo nguồn cung oxy y tế trên khắp lãnh thổ Pháp vì đã tăng sản lượng tại các nhà máy.

Công tác hậu cần cũng được tăng cường, vận chuyển oxy hóa lỏng ở nhiệt độ thấp đến các bệnh viện, lưu trữ trong kho, kiểm tra các đường ống dẫn oxy đến giường bệnh, tăng số lượng kết nối mới mỗi ngày khi lắp thêm giường hồi sức cho các bệnh nhân nặng vì COVID-19...

Tổng thống Emmanuel Macron ngày 31/3 đã tuyên bố một khoản đầu tư lên đến 4 tỷ euro cho việc sản xuất và cung ứng thiết bị, vật tư y tế. Mới đây, 45 công ty dệt may và thời trang của Pháp đã được phép cung cấp các loại khẩu trang bảo vệ có thể tái sử dụng, dành cho người lao động ngoài ngành y tế.

Dự kiến, 500.000 khẩu trang mỗi ngày sẽ sớm đến tay các công nhân trong nhà máy và công trường xây dựng, lực lượng cảnh sát, nhân viên siêu thị...

Ngoài ra, năng lực sản xuất gel rửa tay khô đã tăng lên 500.000 lít/ngày, gấp 11 lần so với thời kỳ trước đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục