Ngành công nghiệp ôtô: Tầm nhìn chiến lược trên... giấy tờ

Chỉ còn 3 năm nữa, lộ trình giảm thuế về 0% sẽ được thực hiện trong khối ASEAN, theo các chuyên gia, nếu không có chính sách tốt, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô sẽ khó khả thi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ còn 3 năm nữa, lộ trình giảm thuế suất về 0% đối với lĩnh vực ôtô sẽ được thực hiện trong khối ASEAN, theo các ý kiến đưa ra tại buổi Tọa đàm về "Công nghiệp Ôtô" do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (27/4), tại Hà Nội, nếu không có chính sách tốt, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô sẽ thất bại.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), để thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, năm 2014 Bộ Công Thương đã đề nghị rất nhiều chính sách hỗ trợ, từ việc giảm thuế, hỗ trợ vốn với lãi suất bằng 0%, tạo điều kiện để có công nghệ hiện đại, nhưng thực tế tất cả vẫn nằm... trên giấy tờ.

Ông Huyên khẳng định, chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam thời gian qua chủ yếu giúp các doanh nghiệp lắp ráp hưởng lợi, trong khi doanh nghiệp muốn làm nội địa hóa lại chưa tiếp cận được. Do vậy theo ông, "chính sách đưa ra phải minh bạch và phải được thực hiện đầy đủ," ông Huyên kiến nghị.

Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn chưa nghiên cứu xong cơ chế, chính sách để thực hiện.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty ôtô Trường Hải (Thaco), dù chiến lược đã phê duyệt nhưng đến nay các bộ ngành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn khiến doanh nghiệp băn khoăn.

Có thể thấy, đến thời điểm này chỉ duy nhất một mục tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đạt được, còn lại tất cả các mục tiêu khác từ sản lượng xe đến tỷ lệ nội địa hóa... đều không đạt.

Trong khi đó, năm 2018, thuế suất đối với lĩnh vực ôtô sẽ đưa từ mức 50% về 0%, điều này sẽ gây áp lực lớn hơn cho ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Do vậy, để có sự chuẩn bị tốt, qua đó nâng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, theo kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Huyên, Nhà nước cũng cần xem xét lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Bổ sung thêm ý kiến này, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam đề nghị, chính sách phải tập trung cho những doanh nghiệp đang sản xuất ôtô trong nước, ngoài việc xem xét lộ trình thuế và ưu đãi vốn, cần có những ưu đãi cho các dự án cụ thể.

Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm ôtô thì bắt buộc phải có sự phát triển của các nhà sản xuất, đặc biệt là sản xuất các chi tiết, linh kiện, quan trọng là cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong việc sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện nhằm hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được Thủ tướng ký phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất 466.400 xe trong nước, gấp hơn 3,5 lần năng suất đạt được năm 2014 và sẽ đạt ngưỡng 1,5 triệu chiếc sau 20 năm tới.

"Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi đúng hướng," Thứ trưởng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục