Ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ liệu có sắp thoát khỏi đáy

Chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 10 đã giảm nhẹ xuống 50,1 - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013 và gần sát ngưỡng 50 điểm - ranh giới phân định chiều hướng tăng trưởng và thu hẹp hoạt động.
Ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ liệu có sắp thoát khỏi đáy ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Bất chấp lĩnh vực chế tạo của Mỹ sa sút trong tháng 10/2015, số lượng đơn đặt hàng mới tăng làm dấy lên hy vọng đối với ngành công nghiệp đang bị trì trệ do tác động của đồng USD mạnh và tình trạng các công ty năng lượng cắt giảm đầu tư.

Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) của Mỹ cho biết chỉ số hoạt động chế tạo của nước này trong tháng 10/2015 đã giảm nhẹ xuống 50,1. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013 và gần sát ngưỡng 50 (điểm) - ranh giới phân định chiều hướng tăng trưởng (từ 50 điểm trở lên) và thu hẹp hoạt động (dưới 50 điểm).

Các doanh nghiệp lĩnh vực chế tạo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có đồng bạc xanh mạnh và giá dầu thô thấp. Trong khi đó, chỉ số đơn hàng mới tăng từ mức 50,1 trong tháng Chín lên 52,9.

Trước các số liệu trái chiều trên, nhà phân tích Daniel Silver của JPMorgan nhận định báo cáo của ISM phù hợp với đánh giá của các nhà kinh tế rằng ngành chế tạo Mỹ đã vượt qua mức tồi tệ được ghi nhận hồi đầu năm nay. Tuy nhiên đồng USD mạnh vẫn tác động tiêu cực đến tình hình chung.

Với ngành chế tạo chỉ chiếm 12% GDP nước này, các nhà phân tích cho rằng số liệu trên không ảnh hưởng đáng kể đến quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) về lãi suất.

Thị trường đang tập trung theo dõi báo cáo về thị trường việc làm, dự kiến công bố trong tuần này, do đây là yếu tố chủ chốt cùng với lạm phát, để Fed cân nhắc việc nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006.

Mặt khác, thống kê công bố ngày 2/11 cho hay chi tiêu cho xây dựng nhà mới, đường cao tốc và các dự án khác của Mỹ trong tháng Chín đạt 1,090 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục