Ngành chức năng vào cuộc sau thông tin 'tài xế taxi điện Cà Mau đình công'

Vụ việc "đình công" bắt nguồn từ việc nhiều tài xế cho rằng những thỏa thuận ban đầu từ phía Công ty không được thực hiện đúng, đỉnh điểm là hành động không hợp lý của vị Giám đốc trong cuộc họp gần đây.

Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau hiện có tổng số 160 lao động, trong đó có 154 lao động là tài xế. (Ảnh: TTXVN phát)
Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau hiện có tổng số 160 lao động, trong đó có 154 lao động là tài xế. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến thông tin nhiều tài xế taxi điện ở Cà Mau dừng việc tập thể, chiều 3/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đến trụ sở Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau (chủ hãng taxi điện Nam Thắng Cà Mau) để làm việc với lãnh đạo công ty.

Qua buổi làm việc với đại diện Công ty, ghi nhận tình hình thực tế việc tối 31/12/2024, có khoảng 60 tài xế tập trung tại Quảng trường Thanh Niên trao đổi, bàn bạc và yêu cầu được giải quyết quyền lợi.

Đến sáng 1/1/2025, đại diện Công ty đã tổ chức buổi làm việc với các tài xế để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cuộc họp giữa lãnh đạo Công ty và tài xế không đạt được sự đồng thuận, dẫn đến tranh cãi do công ty yêu cầu tài xế phải chịu 50% phí sạc pin...

Tại buổi làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sau sự việc, ông Trần Bá Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng (Công ty chủ quản của Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau) thông tin, công ty đã có cuộc làm việc trực tiếp với các tài xế và giải thích nguyên nhân buộc tài xế phải chịu 50% phí sạc pin.

Nguyên nhân được nêu ra là do nhu cầu sạc xe điện tại Cà Mau rất cao, dẫn đến thiếu hụt trụ sạc vào ban ngày... Sau khi được giải thích, các tài xế đã hiểu rõ chính sách mới.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tài xế, phía Công ty đã ban hành Thông báo số 3112-2024/BGCM/TB ngày 31/12/2024 về việc miễn 100% phí sạc pin cho nhân viên lái xe.

Riêng về chính sách lương thì áp dụng theo hệ thống thang bảng lương của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng. Mức lương của tài xế được xác định dựa trên doanh thu và được quy định cho cả hệ thống công ty trực thuộc Tập đoàn Nam Thắng, cụ thể: Doanh thu đạt 28 triệu đồng/tháng thì tài xế nhận 8 triệu đồng; trường hợp doanh thu vượt mức 28 triệu đồng/tháng thì tài xế được hưởng 40% đối với phần chênh lệch. Nếu doanh thu thấp hơn 28 triệu đồng thì lương sẽ bị trừ tỷ lệ, trong tháng tài xế lĩnh lương thấp nhất là 3 triệu đồng/tháng, tương ứng doanh thu là 12 triệu/tháng.

Nhằm làm rõ các thông tin liên quan đến việc dừng việc tập thể của tài xế sau khi Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau có hành động không phù hợp, phía Công ty cũng đã đăng thông cáo báo chí nêu rõ sự việc vào hôm 2/1.

Trong thông cáo cũng nêu rõ Ban lãnh đạo Công ty đã có buổi làm việc với Giám đốc, tiến hành khiển trách, rút kinh nghiệm trong việc phát ngôn và giao tiếp với cấp dưới. Sau đó, các tài xế đã trở lại làm việc bình thường.

Qua nội dung trình bày của Công ty, ý kiến đại diện các cơ quan có liên quan, đồng thời để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cuộc họp thảo luận và đi đến thống nhất việc Công ty cam kết tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tài xế, đặc biệt là về phí sạc pin và mức lương; đồng thời phối hợp giải quyết những bất đồng còn lại và đảm bảo hoạt động ổn định.

Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cà Mau tiếp tục theo dõi tình hình và có biện pháp giải quyết kịp thời để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết thêm, công ty vừa vận hành và kinh doanh tại địa phương nên chưa có công đoàn để đại diện quyền lợi của người lao động và hiện đang chờ báo cáo cụ thể tình hình của Công ty để có hướng giải quyết tiếp theo. Trước các thông tin đã phản ánh, Sở đã báo cáo vụ việc đến Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 37 giây ghi lại cảnh một người được cho là luật sư giải thích cho nhân viên công ty về quyền lợi, chế độ làm việc cũng như hợp đồng lao động khi làm việc cho Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau thì bất ngờ ông Hồ Hoàng Anh - Giám đốc Công ty có hành động đứng lên đập bàn đề nghị "giờ ở đây tôi nói nè, mấy anh không làm, giải tán."

Ngay lập tức, rất đông người tham dự cuộc họp của công ty bỏ về, đồng thời bày tỏ việc “đình công” nhằm phản đối các chính sách từ phía công ty nêu ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục