Ngành chế biến gỗ của VN được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Theo Phó TGĐ Quỹ Mekong Capital, với nhiều lợi thế đã được khẳng định, ngành chế biến gỗ-thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Mekong Capital Chad Ovel khẳng định rằng, với nhiều lợi thế đã được khẳng định, ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Tại buổi hội thảo “Cơ hội cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn hiện nay,” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức ngày 12/6, ông Chad Ovel cho rằng Việt Nam có đầy đủ những lợi thế theo những danh mục cần kiểm tra của các nhà đầu tư.

Với một nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức kiểm soát, tăng trưởng tín dụng hợp lý; thị trường lao động và thị trường tiêu dùng cao, Việt Nam hiện là điểm đến đầy tiềm năng với các nhà đầu tư. Đặc biệt, Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Việt Nam tích cực đàm phán là một cơ hội rất lớn cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến vào thị trường mong muốn như thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, ông Chad Ovel cũng cho rằng, để ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nắm bắt được cơ hội phát triển, Việt Nam cần sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn thông qua nâng cao hiệu suất sản xuất và kỹ năng của lực lượng lao động.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cơ hội phát triển ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong thời điểm hiện nay là rất sáng sủa. Trước những bất ổn về tình hình chính trị khu vực và thế giới, thị trường chế biển gỗ của Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến ổn định được các nhà đầu tư nước ngoài hướng tới.

Ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, khoảng một năm trở lại đây, nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới đã đến Việt Nam đặt hàng chứ không chọn Trung Quốc như trước nguyên nhân do giá nhân công ở Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Lợi thế đó đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên HAWA mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng từ nguồn gỗ trồng nguyên liệu ở trong nước, thay thế dần các loại gỗ nhập khẩu.

Hiện Công ty Xây dựng và Kiến trúc AA do ông Nguyễn Quốc Khanh làm Tổng Giám đốc đang là nhà cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho rất nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở Myanmar và Malaysia.

Ông Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ, để hợp tác tốt với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng tìm kiếm những nhà thiết kế, nghiên cứu kỹ hệ thống hải quan của nước sở tại, tích cực tìm kiếm và ký kết hợp tác với một nhà phân phối uy tín, tham dự các hội chợ chuyên dùng và đặc biệt quan tâm đến marketing và đào tạo đội ngũ tiếp thị sản phẩm. Trong ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp cần có sự kiên trì, quyết đoán và tự tin vào khả năng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Theo HAWA, trong thời gian tới, HAWA sẽ tăng cường tổ chức những buổi hội thảo chuyên ngành với nội dung chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giới thiệu những nhà đầu tư, định hướng phát triển thiết kế…để các doanh nghiệp hội viên có thêm cơ hội tìm hiểu thông tin, tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội phát triển quy mô theo hướng ổn định, không bỏ lỡ cơ hội phát triển quan trọng trong thời điểm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục