Cùng với sự bứt phá ấn tượng của sản xuất và xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, năm 2017 lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực.
Sản xuất công nghiệp tăng 9,4%
Thông tin thêm tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ của ngành Công Thương diễn ra ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh và là một trong những điểm nhấn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Đưa ra con số, Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, với mức tăng 9,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017 đã vượt rất xa so với năm ngoái (ở mức 7,4%) và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%).
[Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục kéo chỉ số IIP đi lên]
Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 14,5% trong năm 2017, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 11,2% của năm 2016 và mức 10,5% của năm 2015.
Thực tế cho thấy, sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội, kể cả các hàng hóa thông dụng và hàng hóa thiết yếu. Ghi nhận chỉ số PMI các tháng trong năm 2017 luôn cao hơn 50 điểm với sự đóng góp của các ngành điện tử, dệt, thép, ô tô...
Ngoài ra, ngành cơ khí đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép, và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Trong đó, nhiều ngành có mức tăng trưởng cao và vững chắc như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 32,7%, ngành sản xuất kim loại tăng 17,6%, ngành dệt tăng 10,2%...
Đạt được kết quả trên phải nhìn trong bối cảnh chung của kinh tế, khi sản xuất của nhiều nhóm ngành trong lĩnh vực công nghiệp sụt giảm mạnh, đơn cử nhóm ngành khai khoáng đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế, tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong năm vừa qua cũng duy trì xu hướng tăng. Thống kê cho thấy, đến hết 11/2017 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm 2016.
"Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu..., tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
- Biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến:
Trong khi đó, đánh giá trên bức tranh tổng thể của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực nghiệp chế biến, chế tạo, bởi lĩnh vực này không chỉ là trụ đỡ mà còn là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Theo Bộ trưởng, tính chung cả năm 2017, chỉ số IIP nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,5%, đã góp phần bảo đảm cho tốc độ tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 đạt 9,4%, vượt mức chỉ tiêu đề ra đầu năm là 7 - 8,1%.
"Điều này không chỉ trực tiếp góp phần vào bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành công nghiệp năm 2017 mà quan trọng hơn đã và đang cho thấy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.
Nhở sự lan tỏa trên, đã giúp tồn kho của ngành công nghiệp chuyển biến tích cực, theo ghi nhận của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2016, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 1/12/2017 tăng 8% (cùng kỳ tăng 8,3%).
Tạo động lực nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù vậy, đi vào chi tiết, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể hơn là việc chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững.
Theo Bộ Công Thương, giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế đặc biệt là sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu. Qua đây cũng cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu mục tiêu đề ra.
Phân tích sâu hơn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.
"Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành," lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành công thương trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, để thực hiện thành công những mục tiêu Chính phủ đề ra thì chiến lược công nghệ phải gắn với chiến lược công nghiệp và thương mại.
Thông qua khoa học công nghệ, hai bộ đã phối hợp trên 3 mặt trận, từ công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Về phương hướng triển khai 2018, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh đến độ sắc nét về khoa học công nghệ đối với ngành công thương, cũng như việc chuyển đổi số cho các nhà máy công nghiệp để đón đầu cuộc cách mạng 4.0.
Theo dự báo, năm 2018 sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng do nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm ổn định, các đơn hàng trong một số ngành sản xuất đã được ký kết và các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên, vật liệu sẵn sàng cho năm sản xuất mới.
Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng của ngành này ở mức 9%, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, trong một số ngành quan trọng như sản xuất linh kiện điện tử, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.
"Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày... đồng thời tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm," lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay./.