Đợt hạn hán hiếm thấy trong lịch sử tại miền Bắc châu Âu đang đe dọa tới ngành chăn nuôi gia súc tại đây. Nông dân đang đứng trước nguy cơ phải từ bỏ sản xuất khi nắng nóng kéo dài khiến cỏ khô, nguồn thức ăn gia súc chính, trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Tại Thụy Điển, cháy rừng kéo dài trên diện rộng kèm theo nhiệt độ cao khiến thu hoạch ngũ cốc dự báo sẽ giảm khoảng 30%.
Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển cho biết phần lớn nông dân tại nước này đã phải sử dụng tới nguồn dự trữ thức ăn chăn nuôi gia súc cho mùa Đông để qua đợt hạn hán này.
[Thời tiết nóng bất thường trên Trái Đất sẽ kéo dài đến năm 2022]
Tương tự, theo thông tin từ giới chức Đức, có khoảng 4% nông trại của nước này đang trong diện nguy cơ cao. Tại khu vực Hạ Saxony, còn được gọi là "vựa cỏ khô" của Đức, thu hoạch cỏ khô dự kiến sẽ giảm hơn 40% so với các năm khác.
Tại Hà Lan, Hiệp hội Nông nghiệp nước này ước tính thiếu hụt nguồn lương thực cho gia súc sẽ vào khoảng 40-60%.
Ủy ban Phát triển nông nghiệp Anh (ADHB) cũng thông báo khu vực nông thôn nước Anh đang trải qua đợt hạn hán chưa từng có trong suốt 80 năm qua. Tình trạng thiếu cỏ khô đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng sữa.
Trong khi đó, nông dân nước Pháp từ tháng 7 và tháng 8 đang phải "đau đầu" với đợt nắng nóng cao điểm. Nhiều khu vực đã thông báo sẽ không có vụ thu hoạch cỏ khô thứ 2 trong năm nay.
Để ứng phó với tình trạng thiếu thức ăn gia súc, nông dân tại nhiều nơi đã phải trộn rơm với cỏ khô trong khi giới chức Pháp cảnh báo tình trạng tăng giá sản phẩm dùng làm thức ăn chăn nuôi. Các nông trại sản xuất bơ sữa bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.
Theo Hiệp hội sữa châu Âu, tổ chức quy tụ hơn 100.000 chủ nông trại sản xuất bơ sữa, hiện nông dân chỉ có thể bán tối đa 30-33 cent/lít sữa, trong khi chi phí sản xuất là 40-45 cent/lít.
Trước tình hình trên, nhiều nông dân châu Âu đã buộc phải lựa chọn đưa gia súc đi mổ thịt sớm hơn thông lệ. Tại Anh, số gia súc bị đưa tới lò mổ tăng 18% trong tháng 7, phần lớn trong đó là bò sữa.
Tại Đức, con số gia tăng này là 10% tính trong 2 tuần đầu tháng 7, buộc chính phủ phải mở gói hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân. Chính phủ Thụy Điển cũng đã cam kết một gói hỗ trợ trị giá 1,2 tỷ kronor (khoảng 135 triệu USD) cho nông dân. Ủy ban châu Âu cũng đã cam kết một số chương trình hỗ trợ nông dân như đẩy nhanh giải ngân tài chính và cho phép thu hoạch cỏ khô từ các khu đất hoang.
Dù vậy, giới nông dân châu Âu vẫn không mấy lạc quan. Nhiều ý kiến cho rằng bất chấp các nỗ lực từ chính phủ, nhiều nông dân vẫn sẽ lựa chọn từ bỏ hoạt động chăn nuôi tại nông trại do khó khăn./.