Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5%

Ngành chăn nuôi cũng đặt mục tiêu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm nay; trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn, tăng 4,0%.
Chăm sóc đàn lợn theo mô hình VAC. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm nay, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30% (đối với ngành hẹp đạt mức từ 33-34%).

Nội dung trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diễn ra chiều 19/12, tại Hà Nội.

Ngành chăn nuôi cũng đặt mục tiêu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25,8 ngàn tấn tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm nay.

Ðể đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị trong khối chăn nuôi căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực, trách nhiệm và hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi (theo kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển Chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu khối chăn nuôi khẩn trương triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng xã hội, tập trung nguồn lực thiết yếu để xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi tiềm năng. Rà soát các nội dung thuộc Chương trình giống, giống gốc vật nuôi trình Bộ phê duyệt và phối hợp tổ chức thực hiện trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và tuân thủ quy định của Nhà nước.

Tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết mặc dù chịu nhiều áp lực về giá thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn; hơn nữa sức tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của lạm phát; đồng thời nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm (đặc biệt là đối với các khu công nghiệp thời điểm các tháng đầu năm do cắt giảm năng suất lao động; hạn chế tiêu thụ thực phẩm do ảnh hưởng của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP-sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt nồng độ cồn khi lái xe…).

Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại trang trại. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cũng theo ông Phạm Kim Đăng, tình hình chăn nuôi trâu, bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn, chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhưng chưa đáng kể và vẫn còn ở mức cao (từ thời điểm tháng Sáu đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá); chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.

Hiện tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11 vừa qua tăng khoảng 4%; đàn gia cầm tăng khoảng 3%; đàn bò tăng khoảng 0,6%; riêng đàn trâu giảm 1% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Ước tính cả năm nay, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50.000 tấn thịt dê, cừu các loại). Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Kim Đăng sự phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: tình trạng nhập lậu và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống có năng suất, chất lượng cao); liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới ngành chăn nuôi tiếp tục phối hợp với Cục Thú y và các đơn vị liên quan trong triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò...

Đồng thời, ngành chăn nuôi tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục