Ngành chăn nuôi chủ động được nguồn cung dịp cuối năm

Tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con, như vậy ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết.
Ngành chăn nuôi chủ động được nguồn cung dịp cuối năm ảnh 1Một trang trại nuôi lợn tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trước tình hình giá lợn tăng lên hàng ngày, trong khi vấn đề dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tiếp diễn, ảnh hướng đến nguồn cung thực phẩm cũng như điều tiết ổn định giá thịt lợn từ nay đến cuối năm, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 14/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết theo số liệu thống kê đàn lợn đến 31/8 từ 56 tỉnh, thành phố, số lượng lợn đạt trên 22 triệu con; trong đó 2,7 triệu con nái và 110 con lợn cụ kị.

Dự kiến cộng thêm bảy tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con, như vậy ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết.

“Với số liệu thống kê này, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm,” ông Trọng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho biết hiện giá thịt lợn ở miền Bắc đang dao động từ 60.000-63.000 đồng/kg, Bắc Giang và Vĩnh Phúc cao nhất với 63.000 đồng/kg; miền Trung 50.000-57.000 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long 56.000-60.000 đồng/kg. Tại hai “thủ phủ” chăn nuôi cả nước là Hà Nội 62.000 đồng/kg, Đồng Nai 55.000 đồng/kg.

Giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không quá cao như Trung Quốc, ông Trọng nhận định.

[Bộ Nông nghiệp: Có khả năng nhập khẩu thịt lợn để bình ổn thị trường]

Theo ông Trọng, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt. Đây là những cơ sở có khả năng tái đàn.

Đối với hộ chăn nuôi nhỏ nếu không đủ điều kiện an toàn sinh học không nên tái đàn vì nếu dịch tái bùng phát sẽ ảnh hưởng về kinh tế cũng như an toàn dịch bệnh cho cơ sở xung quanh.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 105.000 tấn thịt gà (tăng 17% so với cùng kỳ), 14.800 tấn thịt lợn (trong khi năm 2018 nhập khẩu 12.800 tấn), trâu bò 411.000 con.

Ngành chăn nuôi chủ động được nguồn cung dịp cuối năm ảnh 2Một dây chuyền giết mổ thịt lợn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ông Trọng, việc nhập khẩu sản phẩm thịt lợn chủ yếu là sản phẩm phụ. Đối với sản phẩm chính như thăn, giá nhập khẩu vẫn khoảng 400.000 đồng/kg, nhiều sản phẩm lên đến 480.000 đồng/kg nên việc nhập khẩu chủ yếu phục vụ các nhà hàng, khách sạn. Cơ bản không có việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn chính phục vụ thị trường ngoài chợ.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết cùng với nỗ lực của lực lượng chuyên ngành và địa phương, dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã giảm so với trước.

Đến nay cả nước đã tiêu hủy 5,5 triệu con lợn, sản lượng thịt lợn giảm 8%. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể, sát sao và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát huy hiệu quả, dịch bệnh có xu hướng giảm trong bốn tháng qua, góp phần quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, duy trì sản xuất chăn nuôi lợn.

Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản..., sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng, như thịt trâu đạt 70.500 tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264.900 tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931.400 tấn, tăng 13,5%; trứng đạt 9,2 tỷ quả, tăng 10%, sữa tăng 9,3%,... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước về thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục