Trước đà phát triển của ngành cá tra trong hơn nửa đầu năm 2022, nguồn nguyên liệu là vấn đề được các doanh nghiệp đầu tư để tiếp tục đáp ứng các đơn hàng cho những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng tích cực đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn trong những tháng cuối năm trước dự báo lượng xuất khẩu giảm.
Giải bài toán nguyên liệu
Mặc dù kết quả xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm 2022 khả quan, các doanh nghiệp đều đồng loạt tăng tốc kể từ khi trở lại với sản xuất bình thường mới, nhưng giá cả vật tư đầu vào để nuôi cá tra không ổn định, lại tăng dần theo từng chu kỳ tăng giá xăng dầu.
Chính vì vậy, nhu câu cá tra nguyên liệu cao tăng, nhưng người nuôi lại khó thu lãi như mong muốn.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, hiện tại giá cá tra cỡ 0,8-1 kg/con có thể xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ, EU có giá ở mức 28.000-29.000 đồng/kg, còn với cá tra khoảng từ 1,1-1,3 kg/con thì giá chỉ còn 27.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều người nuôi lưỡng lự chậm thả giống.
[Loạt doanh nghiệp cá tra ghi nhận lãi “khủng” nhờ chu kỳ tăng giá]
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng bật trở lại sau thời gian dài đè nén bởi dịch COVID-19, giá các sản phẩm thủy sản cũng tăng theo xu hướng lạm phát giá trên thị trường thế giới.
Lạm phát và căng thẳng giữa Nga-Ukraine cũng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sau khi áp lệnh trừng phạt với Nga, quốc gia có nguồn cung cá thịt trắng hàng đầu, các nước như châu Âu, Mỹ, Anh rơi vào tình trạng thiếu cá thịt trắng và phải tìm kiếm thêm các nguồn cung khác. Đó là lý do giúp xuất khẩu cá tra tăng 83% trong 6 tháng đầu năm....
Kết quả này là tín hiệu vui cho ngành, song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm.
Thiếu nguyên liệu vẫn đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành cá tra cho rằng, có lẽ thiếu hụt nguồn cung tốt hơn rất nhiều so với việc dư thừa.
Đây có thể là khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp nhưng cũng là lý do thôi thúc mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuỗi giá trị của mình một cách bền vững.
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhiều các hộ nuôi cá tra thương mại không tham gia chuỗi.
Trong bối cảnh giá thức ăn cho cá cũng như các loại nguyên vật liệu đầu vào khác đều tăng mạnh, các chuyên gia khuyến nghị, người nuôi nên tổ chức liên kết lại thành tổ hợp tác nuôi cá tra hoặc liên kết lại thành hợp tác xã nuôi cá tra để tổ chức "mua chung, bán chung" thì sẽ rất có lợi về mặt kinh tế khi mua vật tư, nguyên liệu đầu vào và bán cá thương phẩm cho các doanh nghiệp chế biến.
Giữ vững thị trường lớn
Ngành cá tra được dự báo sẽ có đà tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hiện vẫn đang rất nỗ lực để cải thiện được tiêu thụ và đạt được mục tiêu như đã đề ra.
Trong những nỗ lực này, giữ vững các thị trường lớn sẽ có cơ hội giúp ngành cá tra vượt khó khăn.
Một trong những thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất là thị trường Trung Quốc, ước tính trong 7 tháng, thị trường này nhập khoảng hơn 490 triệu USD, tăng 107% số với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, thị trường này áp dụng chính sách zero COVID đã khiến cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam khó khăn, nhưng hiện nay, Trung Quốc đã dần gỡ bỏ và nới lỏng kiểm soát, kiểm dịch COVID-19 trên bao bì sản phẩm.
Đây là thông tin và điều đáng mừng cho thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm nay.
Tại thị trường Mỹ, trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu cá tra vào thị trường này có dấu hiệu chậm lại. Lạm phát tăng cao khiến giá thực phẩm đắt đỏ, giá thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng hơn 10%, trong đó giá cá tra tăng khoảng 22%.
Các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị, doanh nghiệp bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát. Điều này khiến tiêu dùng chậm lại, tồn kho còn nhiều.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra nhận định, đến quý 3 năm 2022, các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu tại Mỹ sẽ phải chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho các kì lễ hội cuối năm.
Đây là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cá tra trong thời gian tới dù khó khăn về biến động kinh tế.
Riêng thị trường các nước khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) trong 7 tháng, xuất khẩu cá tra sang các thị trường này tăng 66%; trong đó, thị trường Mexico tăng trưởng ổn định nhất dù thế giới xảy ra nhiều biến động chính trị và kinh tế.
VASEP đánh giá, thị trường Mexico trở thành thị trường tiềm năng, vượt cả Thái Lan và Brazil trong thời gian tới, bởi nhu cầu về các dòng thực phẩm đông lạnh ngày càng được ưa chuộng và phát triển lựa chọn tại quốc gia này.
Chính vì yếu tố ưu tiên lựa chọn thực phẩm của các thị trường lớn, đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra có thêm hy vọng giữ được thị trường cũng như sản lượng, giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, chia sẻ trong năm 2022, Vĩnh Hoàn công bố đã có kế hoạch mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu, diện tích mở rộng khoảng 100-150 ha nhằm đảm bảo tỷ lệ tự chủ, hướng tới mục tiêu đáp ứng 70% nguyên liệu của công ty.
Vĩnh Hoàn cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành nghề cốt lõi là nuôi và chế biến cá, vượt mốc 1.000 tấn nguyên liệu/ngày thông qua việc đầu tư, cải tạo, mở rộng các nhà máy hiện có và có thể tiến tới xây dựng các nhà máy mới.
Như vậy, có thể thấy, để ngành chế biến, xuất khẩu cá tra được thuận lợi phát triển, các doanh nghiệp đầu ngành cá tra cũng đã có chiến lược cụ thể về nguyên liệu và thị trường để phát triển ổn định trong những tháng cuối năm 2022./.