Làn sóng công nghệ bán dẫn đang lớn mạnh tại Việt Nam. Minh chứng được thể hiện qua sự kiện Triển lãm SEMIExpo 2024 với sự thu hút, quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước. Xu thế này mở ra những cơ hội to lớn cho quốc gia tiến vào chuỗi cung ứng toàn cầu song cũng đặt ra những thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ.
“Mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024-SEMIExpo Viet Nam 2024 diễn ra trong 2 ngày (7-8/11), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức.
Đây là Triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.”
Theo những đánh giá chung, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và thể hiện rõ khát vọng trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Điều này được thể hiện trong dự báo của SEMI, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,7% trong giai đoạn 2023-2028.
Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Chính phủ đã Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng Ban thường trực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024; Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024.
Phát biểu khai mạc SEMIExpo Viet Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực được coi là “trái tim” của công nghệ hiện đại và là nền tảng cho nền kinh tế số.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để thu hút sự đầu tư và hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn, tận dụng các yếu tố thuận lợi đang có. Đầu tiên, Chính phủ Việt Nam thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong phát triển công nghệ thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và coi việc phát triển ngành bán dẫn là một đột phá chiến lược quan trọng. Nỗ lực này nằm trong khuôn khổ chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về bán dẫn, do Thủ tướng trực tiếp lãnh đạo đã khẳng định cho sự quyết tâm này,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thứ hai, Bộ trưởng chỉ ra Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ, năng động và nhanh chóng tiếp thu công nghệ, một lợi thế quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số. Dân số vàng này không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo nên một thị trường tiềm năng cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới, như Google, Meta, và Amazon. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung vào việc chuyển đổi số toàn diện, tạo điều kiện cho sự hợp tác này.
Điểm nhấn thứ ba, theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng là Việt Nam đã dần hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, kết nối với các đối tác quốc tế. Cụ thể, Việt Nam chú trọng hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, để khẳng định vị trí trên "bản đồ" công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Sự hợp tác này được thể hiện rõ thông qua việc tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI) của Chính phủ Hoa Kỳ, qua đó chứng tỏ sự ghi nhận tiềm năng của Việt Nam.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành bán dẫn. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và tạo ra các khu công nghiệp hiện đại, như các khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, cùng với sự có mặt của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đang tạo nên những động lực thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
“Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện về chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính sách để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Sự phát triển của ngành công nghiệp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, công nghệ của đất nước,” Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng nói.
Hành trình riêng không thể sao chép
Tại sự kiện, các chuyên gia có chung nhận định sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành bán dẫn tại Việt Nam là một hành trình độc đáo và không thể sao chép. Những yếu tố then chốt tạo được nêu trên đã nên cơ hội riêng biệt cho Việt Nam.
Về điều này, ông Arnaud Ginolin, Giám đốc Điều hành & Đối tác tại Boston Consulting Group (BCG), lạc quan chia sẻ Việt Nam đang sở hữu cơ hội “độc nhất vô nhị” với thị trường thuận lợi về địa chính trị. Cộng thêm, các chính sách cải tiến tiên phong về thúc đẩy nguồn nhân lực và thu hút đầu tư. Theo ông, đây một hành trình riêng và con đường riêng.
Tham gia sự kiện, Chủ tịch kiêm Giám đốc Infineon Technologies châu Á-Thái Bình Dương, ông CS Chua chia sẻ sự cần thiết phải thay đổi hệ sinh thái và chuỗi cung ứng bán dẫn, điều này xuất phát từ tình hình thực tế và nhu cầu thị trường toàn cầu.
Ông CS Chua cũng đề cập đến tầm quan trọng của sự kết nối giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và ngành bán dẫn. Theo ông, AI ngày nay đang được áp dụng rộng rãi trong các dịch vụ điện toán đám mây và phát triển các quy trình tự động. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cấp độ tham gia vào chuỗi giá trị, không chỉ tập trung vào lao động giá rẻ mà còn phải chú trọng vào sở hữu trí tuệ.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040. Mục tiêu này không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, từ đó giúp quốc gia tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Lạc quan về tiềm năng của Việt Nam, ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, chỉ ra điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã được cải thiện. Cùng với đó, các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ và nguồn lực con người, đặc biệt là những người trẻ, đang sẵn sàng học hỏi và phát triển. Hơn nữa, mức tăng trưởng GDP 6% hàng năm là một tín hiệu tốt cho sự hấp dẫn của Việt Nam trong khu vực.
Ông Chong Chan Pin cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự động hóa thông minh và sự cần thiết phải tích hợp công nghệ mới để có thể cạnh tranh với các nước khác trong lĩnh vực chế tạo chip.
"Vì vậy, việc chia sẻ dữ liệu là rất quan trọng," ông Chong Chan Pin bổ sung.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Châu Âu… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Với nền tảng đào tạo trình độ cao và sự tham gia của các đối tác uy tín, mỗi sinh viên, mỗi kỹ sư được kỳ vọng sẽ là một “viên gạch” xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc.
Nhấn mạnh chiến lược phát triển nguồn nhân lực rõ ràng của Chính phủ. Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ về những thành tựu đạt được trong phát triển nguồn nhân lực đã tạo động lực cho các tổ chức đầu tư dựa vào. Vừa qua, ngành giáo dục có nhiều chương trình đào tạo hướng tới cung cấp nguồn kỹ sư, nâng cao kỹ năng. Kết quả, số lượng kỹ sư tại Việt Nam đã tăng 50% trong năm qua đã cho thấy một sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp tại Sovico, nguyên quyền Chủ tịch Viettel, nhấn mạnh thêm những lợi thế về địa chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cho rằng Chính phủ cần có những cam kết mạnh mẽ hơn về chính sách hỗ trợ và cải cách hành chính cùng với tầm quan trọng của việc thu hút kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài, cũng như đa dạng hóa nguồn nhân lực trong nước, bao gồm cả nữ giới và người dân tộc thiểu số, để phát triển ngành công nghiệp này một cách toàn diện.
Với sự kiện SEMIExpo 2024, Việt Nam đang tích cực xây dựng vị trí trên bản đồ ngành bán dẫn toàn cầu. Sự hội tụ của các chuyên gia hàng đầu, sự cam kết của Chính phủ và nguồn nhân lực trẻ đầy tiềm năng đã tạo nên một "bức tranh" nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, hành trình này đầy thách thức đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, nhằm tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua những khó khăn.
Theo đó, EMIExpo Viet Nam 2024 đã thu hút sự tham gia của hơn 5.000 đại biểu và 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT, Viettel… cùng sự tham gia đông đảo của các thành phần trong hệ sinh thái bán dẫn như các viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong nước, ngoài nước trong lĩnh vực bán dẫn...
Bên cạnh đó, sự kiện sẽ có các hoạt động hội thảo, diễn đàn, triển lãm, chương trình kết nối doanh nghiệp và các phiên kết nối ngành, như Diễn đàn “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”; Hội thảo “Thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu: Cơ hội nào cho ngành sản xuất Việt Nam”; Diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á”; Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”; Chương trình tập huấn cho sinh viên Việt Nam; SEMIGolf…