Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ: Gây thất vọng và đáng lo ngại

Theo thehill.com, thất vọng vì khi tính đến lạm phát, đề xuất ngân sách quốc phòng 2023 không mang lại sự tăng trưởng trên thực tế cho chi tiêu quốc phòng và rất có thể là một sự sụt giảm thực sự.
Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ: Gây thất vọng và đáng lo ngại ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin, đề xuất ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2023 của chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa đáng thất vọng vừa đáng lo ngại.

Thất vọng vì khi tính đến lạm phát, nó không mang lại sự tăng trưởng trên thực tế cho chi tiêu quốc phòng và rất có thể là một sự sụt giảm thực sự. Lo ngại vì nó được đưa ra vào thời điểm mà các cam kết toàn cầu của Mỹ đang đòi hỏi khắt khe hơn bao giờ hết.

Washington đang đối đầu với một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại tiếp tục theo đuổi cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời quyết tâm thay đổi nguyên trạng chiến lược của châu Âu vốn đã tồn tại kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Thách thức từ Trung Quốc đối với hệ thống an ninh Đông Á vẫn không suy giảm. Mối đe dọa Triều Tiên đối với sự ổn định ở Đông Bắc Á cũng không giảm bớt. Và Iran, dù đồng ý với một thỏa thuận hạt nhân mới, vẫn sẵn sàng tăng cường các mối đe dọa đối với sự ổn định ở Trung Đông. Một ngân sách quốc phòng ở mức ổn định hầu như không tạo ra phản ứng thích hợp trước những mối đe dọa này đối với lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Điều đặc biệt gây ngạc nhiên về đề xuất ngân sách này là nó có thể đã được sửa đổi vào thời điểm Nga đang tập trung triển khai lực lượng tới gần biên giới Ukraine hồi đầu tháng 12/2021, rất lâu trước khi hoàn tất việc thảo luận về ngân sách tài khóa mới. Quả thực, một khi rõ ràng là ngân sách liên bang sẽ không được đệ trình vào đầu tháng Hai vừa qua mà là hơn một tháng sau đó, chính quyền thậm chí còn có nhiều thời gian hơn để sửa đổi ngân sách quốc phòng trước cuộc xâm lược của Nga. Chính quyền Biden đã không làm như vậy.

[Tổng thống Biden dự kiến đề xuất gói ngân sách quốc phòng cao kỷ lục]

Thay vào đó, đề xuất ngân sách này phản ánh sự sụt giảm thực sự trong chi tiêu quốc phòng so với ngân sách cơ sở tài khóa 2022 đã được phê duyệt một tháng trước. Ngân sách của Bộ Quốc phòng dường như giả định rằng lạm phát - hiện đang ở mức gần 8% - sẽ giảm xuống 2,6% trong nửa năm tới, khi tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 30/9 tới. Sự sụt giảm mạnh như vậy đơn giản là không thể tránh khỏi.

Giá nhiên liệu, một thành phần chính của Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), vẫn ở mức gần kỷ lục và dự kiến sẽ không giảm cho đến khi có thể tìm thấy các sản phẩm thay thế cho xăng dầu của Nga. Thật vậy, tỷ lệ lạm phát cho chi tiêu quốc phòng trong lịch sử luôn cao hơn chỉ số của CPI.

Hơn nữa, với hơn 10 triệu việc làm vẫn còn bỏ trống ở Mỹ, nhu cầu về người lao động sẽ tiếp tục thúc đẩy tiền lương tăng lên, càng làm gia tăng lạm phát. Ngay cả khi việc tăng lãi suất theo kế hoạch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để giảm lạm phát xuống một nửa so với hiện tại, kết quả là chi tiêu quốc phòng sẽ không có tăng trưởng thực sự.

Các yếu tố của đề xuất ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục làm giảm khả năng tài trợ cho các nhu cầu của Bộ Quốc phòng. Tổng thống Biden đề xuất khoản chi tiêu 300 triệu USD để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, kết quả thực tế sẽ là giảm tài trợ cho các chương trình của Bộ Quốc phòng. Đáng chú ý là chính quyền đã tìm cách tài trợ cho yêu cầu hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trong tài khóa 2022 từ nguồn vốn đã có trong ngân sách quốc phòng; tuy nhiên Quốc hội đã không đồng ý và tài trợ số tiền này như một phần bổ sung. Chính quyền Biden dường như đang tái diễn cùng một âm mưu.

Bộ Quốc phòng cũng đang tìm kiếm 3,1 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một ưu tiên của chính quyền. Mặc dù chắc chắn phải đảm bảo rằng các cơ sở và công trình quốc phòng không chịu sự tàn phá của biến đổi khí hậu, như đã xảy ra gần đây, vẫn chưa rõ lý do tại sao lại yêu cầu chi thêm 800 triệu USD cho khoa học và công nghệ. Những nghiên cứu như vậy hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ khác.

Đề xuất ngân sách cũng bao gồm một loạt chương trình nghiên cứu liên quan bệnh ung thư và các chương trình y tế khác có lợi cho sứ mệnh của Bộ Quốc phòng. Các chương trình nghiên cứu như ung thư phổi, bệnh xơ cứng teo cơ một bên và bệnh động kinh, mặc dù đáng khen ngợi, có thể được các cơ quan như Viện Y tế Quốc gia thực hiện một cách thích hợp hơn.

Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ: Gây thất vọng và đáng lo ngại ảnh 2Máy bay chiến đấu F-35A Lightning II. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân sách bao gồm các khoản cắt giảm lớn cho các chương trình hiện tại. Bộ Quốc phòng đang yêu cầu 9 tàu chiến mới nhưng lại “cho nghỉ hưu” 24 tàu. Quả thực, một trong những tàu “mới” này - tàu tấn công đổ bộ LHD-9 - hầu như không phải là một thương vụ mua mới.

Quốc hội đã thông qua nó cho năm tài chính 2020. Đề xuất của chính quyền Biden sẽ giảm cấp độ lực lượng Hải quân xuống mức thấp nhất là 280 tàu vào năm tài chính 2027. Tuy nhiên, nhu cầu về một hạm đội lớn hơn trong năm đó có thể lớn hơn đáng kể - là năm mà cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Phil Davidson, dự đoán Trung Quốc sẽ đủ mạnh để có thể tấn công Đài Loan.

Nếu điều đó là chưa đủ, những nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát phía Bắc Biển Đen, nếu thành công, sẽ khiến sự hiện diện của hải quân ở Địa Trung Hải gần đó trở nên quan trọng hơn. Hải quân tiếp tục tài trợ cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược lớp Columbia, nhưng như trong quá khứ, chi phí cho những chiếc tàu này “ngốn” ngân sách dành cho các chương trình khác của Hải quân. Ví dụ, họ đang yêu cầu mua ít hơn 6 máy bay chiến đấu F-35 (Thủy quân lục chiến cũng yêu cầu ít hơn ba chiếc F-35).

Tình trạng khó khăn của Hải quân không phải là duy nhất. Lực lượng Không quân sẽ tăng chi tiêu cho máy bay ném bom chiến lược B-21 và chương trình nghiên cứu không gian. Tuy nhiên, họ không chỉ cho nghỉ hưu gần 270 máy bay mà còn đề xuất mua ít hơn 15 máy bay so với năm tài chính 2022. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng việc có nhiều máy bay nói chung và máy bay chiến đấu F-35 nói riêng đều có tầm quan trọng thiết yếu trong việc răn đe Nga. Đức và Phần Lan chắc chắn giữ quan điểm này; họ đã chọn mua F-35.

Cuối cùng, vẫn chưa rõ liệu quân đội Mỹ có được hưởng lợi từ việc tăng ngân sách thực sự hay không. Tuy nhiên, mức độ liên quan của quân đội đối với hoạt động răn đe thông thường của Mỹ, vốn có liên quan đến một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc đang được giám sát chặt chẽ, không còn là vấn đề vào thời điểm mà nhu cầu về sự hiện diện mở rộng của họ ở châu Âu tiếp tục gia tăng.
Gần như chắc chắn Quốc hội sẽ thông qua đề xuất tăng ngân sách của chính quyền từ 773 tỷ USD lên hơn 800 tỷ USD. Tuy nhiên, sự gia tăng như vậy, dù được hoan nghênh, chắc chắn sẽ kèm theo một loạt nghị quyết khác, điều gần như là chắc chắn trong năm bầu cử này.

Ngân sách thiếu hụt (không đáp ứng đủ), không chỉ do nhu cầu ngày càng tăng bởi cuộc khủng hoảng ở châu Âu mà còn cả những mối đe dọa dai dẳng ở những nơi khác, không phải là cách hiệu quả hoặc đáng tin cậy nhất để báo hiệu với thế giới rằng thực sự là “nước Mỹ đã trở lại”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục