Ngân sách 2016 của Italy có thể lên 30 tỷ euro vì hỗ trợ nhập cư

Ngân sách dự kiến năm 2016 của Italy được xây dựng khá linh hoạt do các khoản nước này phải chi cho làn sóng người nhập cư, trong đó riêng tiếp nhận người nhập cư sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ euro.
Ngân sách 2016 của Italy có thể lên 30 tỷ euro vì hỗ trợ nhập cư ảnh 1Chính phủ Italy dự tính sẽ chi khoảng 1,5 tỷ euro cho việc tiếp nhận những người nhập cư xin tị nạn. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dẫn các nguồn tin đáng tin cậy từ Ủy ban châu Âu (EC), hãng thông tấn nhà nước Italy (ANSA) cho biết dự luật ngân sách của Italy cho năm 2016 được xây dựng "vững chắc hơn năm trước" và EC có thể sẽ không yêu cầu chính phủ nước này phải chỉnh sửa nội dung như các năm trước.

Vẫn theo ANSA, các kết quả nghiên cứu, thẩm định ban đầu của EC đối với dự luật ngân sách năm 2016 của Italy là khá "tích cực."

Ngân sách dự kiến cho năm tới của Italy được xây dựng khá linh hoạt do các khoản nước này phải chi cho làn sóng người nhập cư; nhất là biên độ dao động của thâm hụt ngân sách.

Theo số liệu sơ bộ, ngân sách năm 2016 của Italy có thể tăng lên đến 30 tỷ euro nếu Liên minh châu Âu (EU) thông qua một điều khoản về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nhập cư. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Italy sẽ dao động từ mức tương đương 2,2 đến 2,4% GDP; ước vào khoảng hơn 3 tỷ euro.

Chính phủ Italy dự tính sẽ chi khoảng 1,5 tỷ euro cho việc tiếp nhận những người nhập cư xin tị nạn; phần còn lại sẽ dành cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển và các khoản chi khác có liên quan.

 

Trước đó, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng tuyên bố rằng kể cả trong trường hợp bị EC yêu cầu xem xét điều chỉnh lại nội dung dự thảo Luật ngân sách thì chính phủ nước này cũng không thể chỉnh sửa.

Tuy nhiên, EC cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ các chủ trương của Thủ tướng Matteo Renzi về việc xóa bỏ hoặc miễn giảm các khoản thuế bất động sản và thuế doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thị trường lao động.

EC cho rằng việc miễn giảm thuế bất động sản cho cả chủ sở hữu các lâu đài, biệt thự lớn, vốn có điều kiện tốt về kinh tế là bất công bằng.

 

Ủy viên EC phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Pierre Moscovici cũng đã từng phát biểu rằng "các bước cải tổ của Italy đã mang lại kết quả tích cực; đây là điều cần ghi nhận... Tuy nhiên, cần đảm bảo việc chấp hành các quy định chung."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục