Ngăn ngừa tình trạng côn đồ "đại náo" bệnh viện, hành hung bác sỹ

Thống kê cho thấy có tới 90% số vụ việc bạo hành nhân viên y tế xảy ra tại trong khuôn viên bệnh viện, trong đó 30% số vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.
Ngăn ngừa tình trạng côn đồ "đại náo" bệnh viện, hành hung bác sỹ ảnh 1Thực tập sinh Trần Nhật Giáp bị người nhà bệnh nhân đánh trọng thương tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, tính đến năm 2018, cả nước có 1.365 bệnh viện, hàng năm tổ chức khám bệnh cho trên 160 triệu lượt người và điều trị nội trú cho trên 28 triệu lượt người.

Có một nghịch lý là tại một số cơ sở khám, chữa bệnh đã xảy ra nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ, nhân viên y tế, hoặc một số kẻ côn đồ gây mất an ninh trật tự, an toàn bệnh viện, thậm chí một số vụ phạm tội đã xảy ra trong cơ sở y tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh.

90% số vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra trong bệnh viện

Thống kê cho thấy có tới 90% số vụ việc bạo hành nhân viên y tế xảy ra tại trong khuôn viên bệnh viện, trong đó 30% số vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc, nhân viên y tế đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Điển hình là một số vụ việc gây mất an ninh trật tự, an toàn bệnh viện hoặc hành hung nhân viên y tế, truy sát người bệnh xảy ra từ năm 2011 trở lại đây. 

Cụ thể, ngày 16/8/2011, tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, Thái Bình, người nhà bệnh nhân đâm chết một bác sỹ và làm bị thương nặng một bác sỹ khác vì cho rằng các bác sỹ đã chậm trễ trong việc cứu người thân của họ.

Ngày 12/8/2013, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong khi đang cố gắng cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sỹ và nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân lao vào đánh làm hai bác sỹ tổn thương về mắt, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân sau đó còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ kính phòng điều trị của khoa này.

Ngày 25/7/2014, tại Bệnh viện Bạch Mai, trong khi các bác sỹ tại Phòng Cấp cứu đang khám cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã xông vào hành hung các bác sỹ, sau đó xông vào giường bệnh đánh điều dưỡng ngất tại chỗ.

Ngăn ngừa tình trạng côn đồ "đại náo" bệnh viện, hành hung bác sỹ ảnh 2Trích xuất camera của Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn về hành vi người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 18/4/2016, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, một nhóm côn đồ mang súng đến bệnh viện truy sát bệnh nhân sau khi bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu với tình trạng đa chấn thương do bị đánh trước đó.

Ngày 4/4/2018 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, khi bị nhân viên y tế phát hiện người bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đã hết hạn, người nhà bệnh nhân gây rối, hành hung nhân viên y tế...

Số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho thấy, các vụ việc thời gian qua chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15% số vụ việc).

Đặc biệt có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà người bệnh như vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh hay vụ bệnh nhân đã vào viện điều trị sau đó bị côn đồ dùng hung khí truy sát.

Bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế

Trước thực trạng "côn đồ" đại náo bệnh viện gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế cũng như sự an toàn của người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định phê duyệt Đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhu cầu được bảo đảm an toàn trong khám, chữa bệnh của người dân, cũng như nhu cầu được hành nghề khám, chữa bệnh trong điều kiện an toàn của các thầy thuốc và nhân viên y tế là vô cùng quan trọng và là đòi hỏi hết sức chính đáng của cả người bệnh, thầy thuốc, nhân viên y tế và của toàn xã hội.

Chính vì vậy, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh, người nhà của người bệnh và nhân viên y tế cũng như việc phòng, chống tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cơ sở y tế luôn được ngành y tế và toàn xã hội đặc biệt quan tâm.

[Phạt tù chung thân đối tượng xông vào phòng cấp cứu đánh chết người]

Làm tốt công tác này sẽ giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ổn định, phát triển tạo niềm tin và sự yên tâm làm việc của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, sự yên tâm của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến cơ sở khám và điều trị bệnh, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật nói chung trong toàn xã hội.

Tại Đề án, Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp, lãnh đạo ngành y tế, cán bộ, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân và của toàn xã hội, để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong các cơ sở y tế.

Phấn đấu đến hết năm 2020 giảm từ 15-20% số vụ phạm tội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến công tác an ninh trong cơ sở y tế; đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong các cơ sở y tế...

Bộ Y tế cũng khẳng định việc phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật tại cơ sở y tế là trách nhiệm của chính quyền các cấp, của ngành y tế và của các bộ, ngành có liên quan, đồng thời là trách nhiệm của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và của toàn xã hội.

Đề án được thực hiện từ năm 2019-2020 do Bộ Y tế là cơ quan làm đầu mối. Cơ quan phối hợp gồm các Bộ Công an, Tài chính, các bộ có quản lý cơ sở y tế như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông, Công Thương; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục