Ngân hàng vượt bất động sản trong cuộc "đua" hút vốn từ trái phiếu

So với các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Khách hàng giao dịch tại VPBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hàng chục ngân hàng tăng mạnh phát hành trái phiếu để hút vốn trung và dài hạn đã làm thay đổi trật tự huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2 này.

Theo đó, nếu như nhóm ngành bất động sản dẫn đầu thị trường trái phiếu trong quý 1 năm 2021 với 15.588 tỷ đồng được phát hành thì sang đến quý 2 nhóm ngành này đang lùi xuống vị trí thứ 2.

Bản tin thị trường của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, từ đầu tháng 4 đến hết ngày 4/5, tổng giá trị phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đạt hơn 10.940 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành 15.189 tỷ đồng, đã vươn lên đứng đầu.

Trật tự này vẫn tiếp diễn trong tháng 5 khi tổng giá trị phát hành trái phiếu nhóm ngân hàng đạt 15.685 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73% tổng giá trị phát hành, còn trái phiếu ngành bất động sản phát hành với tổng giá trị đạt mức 3.620 tỷ đồng, chiếm 17%.

Số liệu trên do Công ty dịch vụ thông tin tài chính và kinh doanh Fiingroup công bố.

Mới đây nhất, VietinBank đã phát hành riêng lẻ 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 85 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất dao động từ 6,5-6,7%/năm.

Hay như tại ACB, ngân hàng này cũng vừa công bố phát hành được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước với lãi suất 4%/năm.

VPBank cũng có 3 đợt phát hành trong tháng 5; trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Trước đó, VPBank cũng huy động được 4.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu kỳ hạn 3 năm hồi cuối tháng 4. Còn TPBank kể từ đầu tháng 5 đến nay tiếp tục 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, lãi suất từ 3,8-4,1%/năm…

Không khó để nhận thấy, lãi suất trái phiếu ngân hàng phần lớn dao động quanh ngưỡng 4%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn ở mức 5,8-6,5%/năm.

Và mức lãi suất này lại càng thấp hơn đáng kể so với lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, thường cao tới 12-13%/năm. Thậm chí gần đây còn có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%...

Theo Chuyên gia tài chính, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu đang là sản phẩm nóng trên thị trường tài chính, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức do lãi suất huy động của trái phiếu cao hơn gửi tiết kiệm.

[Tháng 5, huy động được hơn 44.000 tỷ đồng qua trái phiếu Chính phủ]

So với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này.

Vì vậy, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng với các loại trái phiếu lãi suất cao bởi tỷ lệ sinh lời càng lớn sẽ càng nhiều rủi ro, cần "chọn mặt gửi vàng," tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp, tính thanh khoản của sản phẩm, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào, đến khi nhà phát hành không có khả năng trả nợ thì việc đòi lại tiền sẽ rất khó khăn.

Đánh giá chung về thị trường trái phiếu quý 2 năm 2021, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán sẽ khiến nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Lãi suất trái phiếu bất động sản vì thế có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác.

Nhưng SSI cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng vì thị trường bất động sản đang khá nóng, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Mặt khác, dự báo của giới chuyên gia cho rằng nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2 (vốn bổ sung), tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR.

Và lãi suất trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành cũng được dự báo sẽ có xu hướng tăng nhẹ trở lại vào nửa cuối năm 2021 khi mức độ cạnh tranh về lãi suất huy động giữa các ngân hàng gia tăng để bảo đảm đầu ra cho tăng trưởng tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục