Ngân hàng Việt ra mắt thẻ tín dụng nội địa hạn chế tín dụng đen

Mục đích thẻ tín dụng nội địa là mở rộng khả năng tiếp cận với các sản phẩm thẻ cho một bộ phận khách hàng có thu nhập thấp, cung cấp một nguồn tiền tiêu dùng từ tín chấp và đẩy lùi tín dụng đen.
Ngân hàng Việt ra mắt thẻ tín dụng nội địa hạn chế tín dụng đen ảnh 1Thẻ tín dụng nội địa sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS)  cho biết trong tháng Một này, NAPAS sẽ phối hợp với 7 ngân hàng (VietinBank, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank, BaoVietBank, HDBank và VietBank) ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa.

Khách hàng từ bây giờ có thể phát hành thẻ tín dụng tại các ngân hàng/tổ chức thành viên của NAPAS nói trên nhằm tiếp tục triển khai chủ trương về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và nhằm hạn chế tín dụng đen.

[Ngày thẻ Việt Nam tạo cảm hứng cho giới trẻ trong thanh toán]

Theo đó, tính năng lớn nhất của thẻ tín dụng nội địa là chủ thẻ chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày. Loại thẻ này cho phép chủ thẻ giao dịch trong hạn mức cho phép và sẽ do ngân hàng phát hành thẻ quy định.

Cũng theo ông Minh, mục đích quan trọng nữa là mở rộng khả năng tiếp cận với các sản phẩm thẻ tín dụng cho một bộ phận khách hàng có thu nhập thấp hơn, cung cấp một nguồn tiền tiêu dùng từ tín chấp và đẩy lùi tín dụng đen.

Đặc biệt, đối với thẻ chip tín dụng nội địa có tính bảo mật cao, xác nhận bằng mã pin, phát hành theo Bộ tiêu chuẩn do Ngân hàng Nhà nước ban hành, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế EMV, đảm bảo an toàn cho chủ thẻ.

Một điểm quan trọng của thẻ tín dụng trong nước so với thẻ tín dụng quốc tế đó là mức phí ưu đãi hơn. Chủ thẻ sẽ không phải trả phí khi thực hiện các giao dịch thanh toán (trừ giao dịch rút tiền) từ thẻ tín dụng. Đối với các giao dịch thanh toán, phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1%-1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Mức thu 1,1%-1,3% đó bao gồm 0,6%-0,8% phí interchange trả cho ngân hàng phát hành thẻ, còn lại là trả cho ngân hàng chấp nhận và tổ chức chuyển mạch thẻ, trong đó tổ chức chuyển mạch thẻ (NAPAS) thu 0,05% giá trị giao dịch.

Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1%-2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000-20.000 đồng, thấp hơn nhiều so với mức phí khoảng 4% giá trị giao dịch hoặc tối thiểu 50.000 đồng của các thẻ khác hiện nay.

Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả ATM có biểu tượng NAPAS trong lãnh thổ Việt Nam và tại các điểm có logo BC Card tại Hàn Quốc. Ngoài ra, chủ thẻ còn thực hiện thanh toán qua Internet, tại các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến Việt Nam.

Cũng theo ông Minh, bên cạnh đẩy mạnh hỗ trợ chủ thẻ thanh toán không dùng tiền mặt thì thẻ tín dụng còn hỗ trợ giải ngân với lãi suất rất hợp lý. Các ngân hàng có thể giải ngân qua thẻ tín dụng ngay trong ngày. Tính năng này có thể giải quyết nhu cầu cấp bách về vốn cho khách hàng và trên thực tế hiện nay nhu cầu vay một vài chục triệu đồng đối với hộ kinh doanh cá thể là rất lớn.

“Hy vọng trong 1-2 năm tới, lượng thẻ tín dụng sẽ chiếm 15%-20% trong tổng số thẻ trên thị trường. Còn đối với các thị trường phát triển, thẻ tín dụng chiếm trên 50%,” ông Minh chia sẻ thêm.

Một điểm đặc biệt khác với thẻ tín dụng quốc tế là để đảm bảo an toàn, thẻ tín dụng nội địa được NAPAS có hỗ trợ xác thực chủ thẻ thông qua mã pin. Với giao dịch giá trị thấp không yêu cầu xác thực chủ thẻ thì không cần mã pin, chữ kí chủ thẻ để đảm bảo giao dịch nhanh.

Hiện NAPAS đang dự kiến quy định mức giao dịch dưới 500.000 đồng bằng thẻ tín dụng nội địa sẽ không yêu cầu xác thực chủ thẻ. Nhưng lũy kế cộng dồn các giao dịch khi nào đến 3 triệu đồng thì sẽ yêu cầu chủ thẻ xác nhận mới cho giao dịch tiếp. Quy định này giúp chủ thẻ nếu chẳng may đánh mất thẻ mà không biết hoặc chưa kịp báo ngân hàng khóa thẻ thì cũng chỉ mất số tiền tối đa 3 triệu đồng.

Theo số liệu Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam từ 2017 đến 2020, tổng số lượng thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng phát hành (chưa tuân theo Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa của Ngân hàng) tăng 10% về số lượng thẻ đang lưu hành (thẻ đang hoạt động giảm, thẻ “ngủ đông” tăng) và tăng 36% về số lượng phát hành mới. Tổng doanh số sử dụng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng 25%. Trong đó, tổng doanh số thanh toán thẻ tăng 132%, tổng doanh số rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng nội địa tại ATM tăng 1%.

Những số liệu trên thể hiện đúng định hướng Ngân hàng Nhà nước về giảm rút tiền mặt tại ATM, tăng giao dịch thanh toán, hạn chế tiền mặt trong nền kinh tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục