Ngân hàng Việt Nam: Một hoa giáp tỏa hương kết trái

Được thành lập từ 6/5/1951, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã phát triển vượt bậc cả lượng và chất, thực sự là mạch máu của nền kinh tế.
Cách đây vừa tròn 60 năm - ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho một thời kỳ lịch sử vẻ vang của quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động ngân hàng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đổi mới lãi suất

Theo Ngân hàng Nhà nước, kể từ năm 1992 đến nay, chính sách lãi suất bắt đầu được đổi mới theo hướng chuyển nhanh từ lãi suất âm sang lãi suất thực dương, thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ, chuyển từ cơ chế lãi suất đặc thù sang một cơ chế lãi suất phù hợp dần với quy luật thị trường và thông lệ quốc tế, từng bước tự do hóa lãi suất nhằm giảm thiểu rủi ro và phù hợp với quan hệ cung cầu vốn theo cơ chế thị trường cũng như thông lệ quốc tế.

Đến tháng 6/2002, với sự ra đời của cơ chế lãi suất thỏa thuận, lãi suất trên thị trường tín dụng ở Việt Nam từng bước được tự do hóa. Đặc biệt là, quyết định xóa bỏ trần lãi suất cho vay được áp dụng từ đầu năm 2010 là cơ sở đảm bảo mức chênh lệch lãi suất hợp lý và tăng dần tính công khai, minh bạch trong hoạt động huy động vốn và cho vay.

Tự do hóa ngoại hối

Chính sách quản lý ngoại hối từng bước được tự do hóa, xóa bỏ nhiều loại giấy phép theo hướng phù hợp dần với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Việc thực hiện chính sách ngoại hối đó được tiến hành theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các địa phương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các giao dịch ngoại hối.

Chính sách tỷ giá đó được đổi mới theo hướng chuyển nhanh từ cơ chế “đông cứng” cố định, phân biệt theo khu vực và đối tượng kinh doanh sang cơ chế tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Bắt đầu từ năm 2000, chuyển từ việc công bố tỷ giá theo khoảng thời gian tương đối dài sang cơ chế công bố tỷ giá theo diễn biến hàng ngày trên thị trường ngoại tệ, phản ánh tương đối chính xác sức mua của VND và tương quan giữa VND với các loại ngoại tệ của các nước có quan hệ thương mại, đầu tư và tín dụng với Việt Nam.

Việc điều chỉnh tỉ giá linh hoạt đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước tăng mua ngoại tệ từ thị trường, đáp ứng phần lớn nhu cầu ngoại tệ của khách hàng và đảm bảo mục tiêu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tín dụng tăng trưởng nhanh

Về chính sách tín dụng, Ngân hàng Việt Nam đã không ngừng mở rộng đối tượng khách hàng, dư nợ cho vay các doanh nghiệp có xu hướng tăng lên, nhất là đối với khu vực nông nghiệp và kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được thiết lập thành một mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng phong phú, đa dạng, phục vụ mọi thành phần kinh tế. Tính đến năm 2010, hệ thống Ngân hàng Nhà nước gồm trụ sở chính tại Hà Nội và các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 6.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với các tổ chức tín dụng, ngay từ năm 1998, đã phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đa thành phần sở hữu nhằm huy động mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài, đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế.

Nguồn vốn huy động những năm qua tăng trung bình 27%/năm, dư nợ tín dụng tăng 29%/năm, nguồn vốn ngân hàng đã đáp ứng các công trình trọng điểm của Nhà nước và nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Phương châm hoạt động của các tổ chức tín dụng là bám đất, bám làng nghề để đáp ứng vốn phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, phục vụ an sinh xã hội.

Các Ngân hàng thương mại Việt Nam đã liên tục triển khai, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh khi Việt Nam thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo các cam kết quốc tế, đồng thời đẩy mạnh triển khai hệ thống ngân hàng để hiện đại hóa hệ thống thanh toán nội bộ và mở rộng mạng lưới thanh toán.

Việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Vào thời kỳ cao điểm, lượng giao dịch lên đến 72.000 giao dịch/ngày và doanh số xấp xỉ 90.000 tỷ đồng/ngày.

Trong những năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hoạt động đối ngoại hai chiều với hầu hết các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Đến năm 2010, ngành Ngân hàng đã thiết lập quan hệ với WB, IMF, ADB, quan hệ đa phương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, ASEAN + 3, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IMF và WB năm 2009, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ADB lần III năm 2011 tại Việt Nam, quan hệ song phương với hơn 165 NHTW các châu lục, lập quan hệ đại lý và tài khoản thanh toán quốc tế với các nước G7 và với Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS, tích cực chuẩn bị các điều kiện để gia nhập WTO.

Phát triển hệ thống ngân hàng toàn diện

Để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, ngành ngân hàng đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: Phát triển ngành ngân hàng toàn diện, an toàn, bền vững tiến tới xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có năng lực quản lý, trình độ ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và áp dụng đầy đủ các thiết chế và chuẩn mực theo thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam trong hoạt động ngân hàng ở cả hai cấp; quản lý nhà nước và kinh doanh tiền tệ - hoạt động ngân hàng.

Để đạt được mục tiêu này, ngành ngân hàng đã đề ra một số nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng năng lực quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh công tác đào tạo trong ngành ngân hàng; hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; tiếp tục đổi mới điều hành chính sách tiền tệ, chính sách quản lý ngoại hối và tỷ giá; tổ chức hệ thống thống kê, dự báo về tiền tệ và ngân hàng; công khai thông tin về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức, điều hành và phát triển thị trường tiền tệ theo hướng nâng cao vai trò định hướng thị trường của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, sẽ mở rộng các hình thức thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt; đổi mới, hiện đại hóa công tác in, đúc, bảo quản tiền Việt Nam; kiện toàn công tác thanh tra, giám sát hoạt động tài chính, tiền tệ; phát triển các tổ chức tín dụng theo hướng ổn định, lành mạnh và có khả năng cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập nâng cao vị thế của Ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong thư chúc mừng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi cán bộ ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tâm sự, với những nỗ lực không ngừng, đến nay ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò ngân hàng trung ương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ và chỉ đạo hoạt động ngân hàng. Hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển mạnh về quy mô, mạng lưới, loại hình, chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu sử dụng dịch vụ tiền tệ - ngân hàng của nền kinh tế và tiến gần hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục