Ngân hàng và những dấu mốc đáng chú ý trong năm 2019

Tháng 11/2019, thương vụ mua bán-sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam được công bố khi KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc (KEB Hana Bank). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc (KEB Hana Bank). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Năm 2019 đang dần khép lại với nhiều dấu mốc không thể bỏ qua trong ngành ngân hàng như lần đầu tiên có thương vụ mua bán-sáp nhập "khủng" trị giá tới hơn 20.000 tỷ đồng; cuộc đua lãi suất; hay ngân hàng lần đầu cán mốc lợi nhuận tỷ USD...

Các thương vụ "khủng"

Tháng 11/2019, thương vụ mua bán-sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam được công bố khi KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.

Theo đó, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

KEB Hana Bank đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của BIDV với thời gian nắm giữ ít nhất 5 năm. Đồng thời, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank.

Trước đó, đầu năm 2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 111,1 triệu cổ phiếu mới cho GIC Private Limited (GIC) - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd (Mizuho) -  một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD).

Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37,1 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD.

Thị trường cũng đang chờ đợi thêm một thương vụ khủng khi Vietcombank chào bán 6,5% cổ phần, tương ứng với gần 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng).

Giới phân tích đánh giá thương vụ này nhiều khả năng sẽ sớm diễn ra thuận lợi bởi Vietcombank được khá nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm vì những kết quả kinh doanh tích cực khi dự kiến lợi nhuận sẽ cán mốc tỷ USD vào cuối năm nay.

Nguồn tin từ Bloomberg cho biết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng đang có kế hoạch bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thu về khoảng 240 triệu USD. Trong đó, lượng cổ phần ngân hàng muốn chào bán gồm 141,5 triệu cổ phiếu mới và 47 triệu cổ phiếu quỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, các thương vụ mua bán-sáp nhập sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tài chính ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, tận dụng nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm và quản trị điều hành của các tổ chức tài chính nước ngoài.

Chinh phục Basel II

Thời điểm 1/1/2020 đã cận kề, cũng là lúc Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II sẽ chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 18 ngân hàng trong hệ thống đáp ứng được chuẩn Basell II; trong đó có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài.

Hiệp ước vốn Basel II là những quy định về hệ thống đo lường vốn được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking Supervision - BCBS) gồm 10 nước phát triển (G10) ban hành hồi tháng 6/2004 nhằm lành mạnh hơn kỷ luật thị trường tài chính.

Số lượng ngân hàng chưa đáp ứng chuẩn còn rất nhiều nên tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN ban hành mới đây quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng chưa tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại Thông tư 41/2016 lùi thời gian áp dụng đến thời điểm trước ngày 1/1/2023.

Cuộc đua lãi suất

Cuối quý II năm 2019, lãi suất huy động ghi nhận mức cao nhất trong vòng 7 năm qua đối với tiền gửi VND sau giai đoạn "nóng" hồi những năm 2008-2012 khi lãi suất "chạy đua" lên tới 14-17%/năm.

Ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT "tuýt còi" các ngân hàng đua lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài.

Theo công văn này, động thái tăng lãi suất làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.

Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi đối với khách hàng, tăng cường kiểm soát tín dụng về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan; thực hiện kiểm soát tốt chất lượng tài sản có, phân loại và trích lập dự phòng đầy đủ theo các quy định của pháp luật.

Ngay sau cảnh báo này, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã không còn đứng ở mức kỷ lục như trước đó dù vẫn neo cao.

Sang đến quý cuối năm 2019, tuy mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao nhưng "cuộc đua" đã dần hạ nhiệt, thậm chí còn đi ngược lại kịch bản thường niên khi một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn trên 12 tháng như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất trái chiều là do thời gian qua nhiều ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn để đáp ứng đủ quy định về an toàn vốn mới của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản ổn định nên không có áp lực huy động vốn tại thời điểm này.

Đồng thời, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào cũng nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra. Việc Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi" trước cuộc đua tăng lãi suất của nhiều ngân hàng thương mại hồi tháng 8/2019 cũng khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn trong hoạt động huy động.

Theo tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động VND hiện phổ biến ở mức từ 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,3-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức từ 6,6-7,5%/năm.

Ngân hàng và những dấu mốc đáng chú ý trong năm 2019 ảnh 1(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sạch nợ xấu tại VAMC

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) vừa phát đi thông báo đã hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC. Qua đó, SeABank trở thành ngân hàng thứ 11 trong hệ thống "sạch" nợ tại VAMC sau Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank và Agribank.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ năm 2013 đến 31/8/2019, VAMC đã mua nợ xấu với quy mô 348.500 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỷ đồng.

Mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến 31/8/2019, VAMC đã mua được 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 6.821 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2013 đến 31/8/2019, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 138.347 tỷ đồng.

Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong giai đoạn từ 15/8/2017 đến 31/8/2019 đạt 77.043 tỷ đồng, bằng 56% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 30/6/2019.

Việc xử lý dứt điểm trái phiếu tại VAMC giúp các ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng. Khi chất lượng tài sản tốt lên, các ngân hàng sẽ không phải quá bận tâm, lo trích dự phòng vào khối nợ xấu tồn đọng, mà có động lực cho tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo.

Trên thực tế, việc bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng dọn sạch nợ xấu ngay lập tức, mà đó chỉ là nơi tạm gửi các khoản nợ xấu để ngân hàng có thời gian (5 năm) xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20% mỗi năm.

VAMC hiện vẫn đang giữ hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng, mà nhiều nhất có thể kể đến như Sacombank, BIDV, VietinBank, SCB...

Lợi nhuận tỷ USD

Với những kết quả kinh doanh đầy tích cực, năm 2019 dự kiến lần đầu tiên Vietcombank sẽ cán mốc lợi nhuận tỷ USD và đây cũng là ngân hàng Việt đầu tiên hiện diện tại thị trường Mỹ vào tháng 11 vừa qua.

Đứng đầu trong hệ thống, tính đến hết quý III năm 2019, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục với 17.250 tỷ đồng trước thuế, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019.

Với đà tăng trưởng lợi nhuận này, ban lãnh đạo Vietcombank lạc quan sẽ vượt chỉ tiêu 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, ước đạt trên 22.000 tỷ đồng.

Dù năm tài chính 2019 vẫn còn chưa kết thúc nhưng nhiều ngân hàng đã liên tiếp dự báo lãi lớn, thậm chí vượt kế hoạch cả năm.

Về đích sớm chỉ sau 10 tháng với lợi nhuận trước thuế 10.350 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm là 10.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) dự kiến năm 2019 sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 11.000 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng đã công bố mức lãi kỷ lục năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018 và gấp 5,6 lần so với năm 2016. Tổng tài sản của VIB ước đạt 180.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2018.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dự kiến đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông; tổng tài sản đạt 457.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,75%.

Trong khi đó tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), lợi nhuận năm 2019 cũng được dự báo sẽ có khả năng vượt kế hoạch đề ra (5.077 tỷ đồng).

Tính đến hết quý III năm 2019, lợi nhuận của HDBank đã đạt 3.448 tỷ đồng và được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II sớm hơn thời hạn.

Các chuyên gia cho rằng, mức tăng trưởng ấn tượng của các ngân hàng có được xuất phát từ việc mở rộng biên lợi nhuận (NIM); đồng thời kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu, tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục