Ngân hàng "tung" chứng chỉ tiền gửi lãi cao: Cần lưu tâm điều gì?

Mức lãi suất lên đến 8,6-8,9% thậm chí là hơn 9%/năm đang được một số ngân hàng áp dụng cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi nhằm hút vốn trung, dài hạn.
Ngân hàng "tung" chứng chỉ tiền gửi lãi cao: Cần lưu tâm điều gì? ảnh 1Giao dịch tại SHB. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mức lãi suất lên đến 8,6-8,9% thậm chí là hơn 9%/năm đang được một số ngân hàng áp dụng cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi nhằm hút vốn trung, dài hạn.

Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục.

Khách hàng cá nhân mua chứng chỉ tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng được lãi suất cuối kỳ 9,1%/năm; lãi suất hàng tháng là 8,38%/năm.

Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank) đã phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) với mức lãi suất 8,6%/năm. Mức lãi này cao hơn khá nhiều so với mức lãi suất cao nhất 7,8%/năm hiện đang được Sacombank áp dụng cho các khoản gửi tiết kiệm thông thường tại quầy.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng có mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được cố định trong suốt kỳ hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ hàng năm cho khách hàng.

[Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,6%]

Trong khi đó, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) với số tiền tối thiểu từ 1 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng, các khách hàng cá nhân đã có thể tham gia chứng chỉ tiền gửi và được hưởng lãi suất hấp dẫn lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm tương ứng các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm, 8,8%/năm và 8,9%/năm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,2%/năm dành cho số tiền từ 500 triệu đồng và các kỳ hạn linh hoạt từ 6-36 tháng.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc phát hành chứng chỉ tiền gửi hiện chỉ xảy ra ở một số ngân hàng chứ không phải trên toàn hệ thống. Một số ngân hàng vì nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn bền vững hơn nên tăng huy động bằng phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi.

"Đây là hoạt động kinh doanh bình thường của các tổ chức tín dụng", ông Lực khẳng định.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được các ngân hàng đưa ra luôn hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm thông thường.

Trao đổi về điều này, bà Nguyễn Phương Huyền, Giám đốc phòng khách hàng cá nhân Sacombank cho biết: "Chứng chỉ tiền gửi thường được các ngân hàng phát hành trong thời gian ngắn, có quy định hạn mức cụ thể. Việc tăng lãi suất cao khi phát hành chứng chỉ tiền gửi giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn từ tổ chức và dân cư nhanh, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh nên không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm chung của ngân hàng."

Mặc dù sản phẩm chứng chỉ tiền gửi được các ngân hàng tung ra với lãi suất rất hấp dẫn, nhưng khách hàng cũng cần lưu tâm bởi tại một số ngân hàng, mức lãi cao này chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên, các năm sau áp dụng lãi suất thả nổi, thông thường tính theo lãi suất huy động bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, cộng biên độ.

Mặt khác, giữa rất nhiều sản phẩm hấp dẫn, bà Phương Huyền cũng lưu ý khách hàng cần lựa chọn sản phẩm tiết kiệm (chứng chỉ tiền gửi, tiết kiệm gửi góp, tiết kiệm gửi một lần rút 1 lần, gửi 1 lần rút nhiều lần…) phù hợp với nhu cầu tài chính trong tương lai của mỗi người.

Đồng thời, khách hàng lựa chọn kỳ hạn và lãi suất phù hợp với kỳ vọng lợi ích nhận được và tận dụng các chương trình khuyến mại của ngân hàng để tối đa hóa lợi ích nhận được.

Dù chứng chỉ tiền gửi đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam một vài năm gần đây nhưng tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng lưu ý, nếu việc phát hành chứng chỉ tiền gửi xảy ra đại trà trên toàn hệ thống thì cơ quan quản lý cần có động thái can thiệp để tránh tạo mặt bằng lãi suất đầu vào cao, gây áp lực lên lãi suất đầu ra của nền kinh tế.

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of deposit) là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Sản phẩm này tương tự như tiền gửi tiết kiệm nhưng khác là được hưởng lãi suất cao hơn và được phép chuyển nhượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục