Ngân hàng tự tin với ‘kịch bản’ tăng trưởng tín dụng cao

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12% nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh.
Ngân hàng tự tin với ‘kịch bản’ tăng trưởng tín dụng cao ảnh 1Nhiều ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2021 cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước đang trên đà phục hồi. Nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý 2 trở đi.

Quý 1 đạt tích cực

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng Ba, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dùng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%. Thậm chí so với những năm trước đó tín dụng chỉ tăng khoảng 2,5%-2,6%.

Thực tế ghi nhận tại một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tín dụng trong quý 1.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, tính đến hết tháng Ba, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank khoảng 3,7%, cao hơn nhiều so với mức hơn 2% của toàn ngành. Đây còn là mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1 cao nhất nhiều năm ở Vietcombank.

“Với số liệu trên, theo tính toán của chúng tôi, trong quý 1 Vietcombank đã bơm thêm ra nền kinh tế khoảng hơn 28.000 tỷ đồng,” ông Thành cho biết.

Tại các ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), tăng trưởng tín dụng quý 1 dự kiến đạt lần lượt là 2,7% và 2,6%, trong khi cùng kỳ năm ngoái cả hai ngân hàng này đều âm, tương ứng là -1% và -1,2%.

Một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng khá cao như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB), theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này đến hết quý 1/2021 tín dụng của ngân hàng tăng khoảng 9%.

Còn lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết tín dụng trong quý 1 tăng khoảng 4% so với cuối năm 2020 nhờ những biện pháp kiểm soát dịch tốt của Chính phủ và triển vọng hồi phục của nền kinh tế; Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) ước đạt tăng 3,5% trong khi cùng kỳ tăng 2,3%. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tín dụng có thể tăng 3,9% trong quý 1; tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (SeABank), cho vay khách hàng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.

Một trong những yếu tố giúp cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng khả quan hơn so với năm 2020, đó là kinh tế khởi sắc, hoạt động kinh doanh khách hàng tích cực hơn. Cùng với mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp đã hỗ trợ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tốt hơn.

Điều này cũng phù hợp với nhận đinh của các chuyên  gia HSBC khi phân tích về tình hình kinh tế Viêt Nam. Chuyên gia HSBC nhấn mạnh, Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu vững vàng trong thời kỳ đại dịch COVID-19. GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng được 2,9% và thuộc số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm này.

Thành công của kinh tế Việt Nam đến từ các biện pháp chống dịch COVID-19 nhanh chóng và thành công. Dù rằng Việt Nam từng phải trải qua đợt bùng dịch thứ 3 trong tháng 2/2021, mọi chuyện đã nhanh chóng được đưa vào tầm kiểm soát chỉ trong vòng một tháng, chính vì vậy kinh tế Việt Nam khởi đầu năm 2021 trên một nền vững vàng.

Chỉ tiêu giao tăng trưởng tín dụng là phù hợp

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến COVID-19. Với kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch COVID-19 dừng trong quý 1 và tiêm chủng vaccine đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10%-12% trong trường hợp COVID-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là COVID-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7%-8%.

Không chỉ đưa ra các kịch bản tăng trưởng tín dụng thấp, tương tự như năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước nước tiếp tục thay đổi trong việc cấp hạn mức tín dụng trong năm 2021. Theo đó, hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi thay từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng.

Ngân hàng tự tin với ‘kịch bản’ tăng trưởng tín dụng cao ảnh 2

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12% nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước ngoại trừ Vietcombank được tăng trưởng tín dụng 10,5%, ba ngân hàng còn lại hạn mức tín dụng là 6%-7,5%.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), ACB, Sacombank là 8,5%-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5%-12%.

Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đợt 1 cho một số ngân hàng nói trên thể hiện sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia tại thời điểm này. Và Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới "room" lần 2, lần 3 cho từng tổ chức tín dụng trong nửa cuối năm 2021, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện cụ thể.

Khác với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phần lớn đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao. Đơn cử VIB lên kế hoạch tăng tín dụng và huy động vốn 31%. Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng cấp cho VIB khoảng 8%. 

Lý giải điều này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Khắc Vỹ cho biết với VIB, các năm trước Ngân hàng Nhà nước cũng giao chỉ tiêu lần đầu thấp, nhưng sau đó phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch mà có sự thay đổi. Các năm qua, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23%-30% và đều đạt được.

Tương tự, MSB cũng dự kiến tăng tín dụng 25% trong năm 2021, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước chỉ giao chỉ tiêu 10,5%. Năm 2021, MSB sẽ tập trung tín dụng cho năng lượng sạch, các ngành nghề kinh doanh sản xuất ít chịu tác động của dịch COVID-19; Sacombank xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ước tính tăng khoảng 12%.

BIDV dự kiến tăng dư nợ tín dụng 10%-12%; VietinBank dự kiến tăng tín dụng 6%-12%.

Riêng về Vietcombank, ngân hàng được giao tăng trưởng tín dụng 10,5%. Ông Thành cho biết, xét về con số tăng trưởng, đây không phải cao nhất nhưng về quy mô tăng trưởng thì không ngân hàng nào có thể vượt qua.

“Tính toán của chúng tôi cho thấy, với room khoảng 10,5% được giao ban đầu, Vietcombank năm nay sẽ bơm thêm ra nền kinh tế khoảng 88.000 tỷ đồng. Còn nếu được điều chỉnh lên mức 14% như năng lực của ngân hàng, Vietcombank sẽ cho vay thêm ra nền kinh tế khoảng 117.000 tỷ đồng và đưa tổng dư nợ lên gần 1 triệu tỷ đồng. Quý 1 Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng cao nhất trong cùng kỳ của nhiều năm, với đà này nếu được giao 14% cả năm ngân hàng cũng đạt được," ông Thành chia sẻ.

Với hạn mức cấp đợt một, chuyên gia công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng hạn mức này là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.

SSI ước tính tăng trưởng tín dụng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trong quý 1 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ. Hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong 2 tháng đầu năm là MB và VIB.

Dự báo cả năm 2021, SSI cho rằng, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng ước tính sẽ tăng trưởng 24% so với năm 2020. Mức lợi nhuận tăng này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tăng 15% và chi phí tín dụng giảm 0,22%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục