Ngày 4/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - ngân hàng trung ương Trung Quốc) đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng - lần thứ năm kể từ năm 2018.
Biện pháp hỗ trợ trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc đang đối mặt với nhu cầu trong nước chững lại, cũng như việc triển khai các biện pháp thuế quan nhằm vào hàng hóa Mỹ. Tỷ lệ RRR hiện nay của các ngân hàng lớn và nhỏ tại Trung Quốc lần lượt ở mức 14,5% và 12,5%.
Dự kiến PBOC sẽ cắt giảm RRR ở mức 0,5% lần lượt vào các ngày 15/1 và 25/1, trước dịp Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm các điều kiện tiền mặt thường bị siết chặt. Đây là lần đầu tiên PBOC cắt giảm RRR trong năm 2019.
[WB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng chậm lại 6,2% năm tới]
Trung Quốc đang có nguy cơ đối mặt với mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 và sức ép ngày càng tăng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Động thái trên sẽ giúp thị trường có thêm 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 116 tỷ USD), sau khi các ngân hàng đã sử dụng 1.500 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 218 tỷ USD) được bơm vào hệ thống tài chính để thanh toán các khoản nợ trung hạn.
Quyết định được công bố ít giờ sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh sẽ triển khai thêm biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, trong đó có việc cắt giảm RRR, các loại thuế và phí.
Theo Reuters, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 được dự báo sẽ vào khoảng 6,5%, đúng như mục tiêu của nước này, nhưng thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,9% của năm 2017. Một số chuyện gia nhận định con số này có nguy cơ giảm xuống gần 6%, đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990.
Trong khi đó, PBOC khẳng định tăng trưởng của Trung Quốc vẫn đang ở trong mức phù hợp và ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ cẩn trọng mà không phải viện tới gói kích thích lớn./.