Ngân hàng Trung ương Nhật duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ

BOJ đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, cũng như giữ nguyên đánh giá về nền kinh tế nước này trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda (giữa) tham gia cuộc họp về chính sách của ngân hàng ở thủ đô Tokyo. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 20/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, cũng như giữ nguyên đánh giá về nền kinh tế nước này trong tháng thứ 3 liên tiếp.

Nền kinh tế Nhật Bản hiện phục hồi ở mức vừa phải trong bối cảnh lòng tin của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.

Sau hai ngày họp, ban hoạch định chính sách của BOJ đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ vốn được ngân hàng đưa ra từ tháng Tư vừa qua, trong đó tập trung vào việc tăng gấp đôi lượng tiền cơ bản và thúc đẩy việc mua trái phiếu chính phủ để đạt được mục tiêu 2% lạm phát trong vòng hai năm. Theo đó, ngân hàng trung ương sẽ tiến hành các hoạt động thị trường để tăng lượng tiền cơ bản lên mức 60.000-70.000 tỷ yên mỗi năm.

Đồng thời, BOJ cũng giữ nguyên những đánh giá về nền kinh tế trong nước, sau khi kết quả cuộc khảo sát Tankan theo quý công bố ngày 16/12 cho thấy lòng tin của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Điều này sẽ hỗ trợ mức tiêu dùng, cũng như tạo ra cái nhìn lạc quan hơn đối với thu nhập và tình trạng việc làm ở Nhật Bản.

Đối với vấn đề giá cả, tỷ lệ thay đổi theo từng năm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ chỉ dao động ở mức 1%, sau khi số liệu chính thức cho thấy CPI trong tháng 10 vừa qua tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhanh nhất trong vòng 5 năm qua, do giá năng lượng cùng các mặt hàng khác tăng. Dự kiến, điều này sẽ khiến lạm phát tăng bởi hiện giá tiêu dùng có xu hướng tăng.

Về tác động của thuế tiêu dùng từ tháng 4/2014, nền kinh tế nội địa dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng chi phí ban đầu, do đó sẽ làm suy giảm nhu cầu trước và sau khi tăng thuế. Dù vậy, BOJ vẫn tin tưởng rằng kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi.

Tuy nhiên, BOJ cũng lưu ý đến một viễn cảnh không chắc chắn đối với kinh tế Nhật Bản, khi mà nước này đang phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục