Ngân hàng Trung ương Nhật Bản “chờ đợi” để tăng lãi suất

Thống đốc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda đã nhiều lần khẳng định rằng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế phát triển đúng theo dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Mặc dù vẫn phải đương đầu với một số thách thức, nhưng nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai sẽ gặp ít khó khăn hơn so với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.

Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda hôm 31/10.

Nhận định này là một chỉ dấu báo hiệu khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới, sau khi thông báo “đóng băng” lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 10/2024.

BoJ với chính sách tiền tệ “ngược dòng”

Sau cuộc họp chính sách thường kỳ ngày 30-31/10, BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, đúng như dự báo của các thị trường.

Trước đó, vào tháng 3/2024, cơ quan này đã chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài gần hai thập kỷ, bằng việc đưa lãi suất về ngưỡng 0% và sau đó nâng lên 0,25% vào tháng 7/2024.

BoJ là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới đã đi ngược lại xu hướng lãi suất chung toàn cầu, kể từ sau đại dịch COVID-19.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất để chống lạm phát, thì ở Nhật Bản, các nhà quản lý chính sách tiền tệ trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Sang tới năm 2024, trong bối cảnh lạm phát ngày càng có xu hướng hạ nhiệt và các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ thắt chặt, BoJ lại đang tiến tới động thái nâng lãi suất.

Sau thông báo giữ nguyên lãi suất hôm 31/10, đồng yen đã tăng 0,9% lên ngưỡng tỷ giá 152,06 yen/USD. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10 giảm nhẹ, với chỉ số Nikkei 225 mất 0,5% và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 0,15 điểm phần trăm.

Trên thực tế, đồng yen đã liên tục suy yếu trong vài năm gần đây, do kỳ vọng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn rất lớn. Mặc dù điều này mang lại lợi thế tỷ giá cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng lại khiến người tiêu dùng tại nước này phải chi tiêu nhiều hơn do giá hàng nhập khẩu tăng.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế và lạm phát hàng quý, BoJ dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi (đã loại trừ biến động giá thực phẩm và năng lượng) của năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2025) vào khoảng 2,5% và dao động quanh mức 2% trong các hai năm tài chính tiếp theo.

Thống đốc Ueda đã nhiều lần nói rằng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến theo đúng dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra. Nhưng ông cũng cho biết mọi động thái về lãi suất sẽ không vội vàng vì lạm phát vẫn ở mức vừa phải.

Thách thức chính trị ảnh hưởng đến kinh tế

Quyết định chính sách tiền tệ mới nhất của BoJ được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang “loạn nhịp” trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra ngày 5/11 tới và sau cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản hôm 27/10.

Liên minh cầm quyền, do đảng Dân chủ Tự do (LDP) dẫn dắt, lần đầu tiên đánh mất thế đa số tại Quốc hội sau 15 năm.

Kết quả này phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của người dân với chính phủ, liên quan tới thể trạng yếu ớt của nền kinh tế và chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

ttxvn_nhat_ban_resize.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng mới của Nhật Bản Shigeru Ishiba đã công khai ủng hộ việc BoJ đảo chiều chính sách “siêu lỏng.”

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tình hình chính trị phức tạp có thể sẽ khiến Thủ tướng Ishiba đổi ý vì lo ngại các động thái chính sách mới có thể làm chậm hoạt động kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế.

Một phần nguyên nhân lý giải cho việc BoJ quyết định “không hành động” trong tháng này còn được cho là vì đang chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra ngày 5/11, bởi kết quả cuộc bầu cử này có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính.

“BoJ cần chú ý đến diễn biến tương lai của các nền kinh tế ở nước ngoài, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ và các diễn biến trên thị trường tài chính. Cơ quan này cũng cần xem xét cách các yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến triển vọng hoạt động kinh tế và giá cả trong nước, các rủi ro có thể xảy ra và khả năng hiện thực hóa triển vọng,” báo cáo triển vọng kinh tế và lạm phát hàng quý của BoJ nêu rõ.

Lãi suất có thể tăng vào tháng 12/2024 hoặc tháng 1/2025

Thống đốc Ueda đã nhiều lần khẳng định rằng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nếu nền kinh tế phát triển đúng theo dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ không vội vàng, vì lạm phát của Nhật Bản hiện vẫn ở mức vừa phải.

Bình luận của ông Ueda đã nhận được sự đồng tình của đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

ttxvn_dong_yen.jpg
Đồng 1.000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, bà Nada Choueiri, Trưởng phái đoàn IMF tại Nhật Bản, nhận xét BoJ phải thận trọng khi tăng lãi suất và tiến hành động thái này với tốc độ tăng dần, vì triển vọng lạm phát còn nhiều bất ổn.

Kết quả một khảo sát mới đây do hãng tin Reuters (Anh) thực hiện cho thấy, phần lớn các nhà kinh tế khi được hỏi đều cho rằng BoJ sẽ không tăng lãi suất trong năm nay.

Nhưng bà Naomi Muguruma, chiến lược gia trái phiếu trưởng của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, lại có suy nghĩ khác.

Bà nói: “Bất ổn chính trị trong nước có thể gây tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh tế và trở thành lực cản đối với kế hoạch tăng lãi suất của BoJ. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể không đủ kiên nhẫn để chờ đợi quá lâu, nếu đồng yen tiếp tục yếu đi, làm tăng rủi ro lạm phát.”

Chuyên gia Kyohei Morita, nhà kinh tế trưởng tại Nomura Securities, chia sẻ: "Phát biểu của Thống đốc Uede cho thấy cách mà BoJ sẽ đưa ra quyết định chính sách dựa trên dữ liệu của nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai thay vì dựa trên các yếu tố nước ngoài." Vị chuyên gia này dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2024.

Phát biểu với báo giới Thống đốc Ueda cho biết: “Về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo, chúng tôi chưa có ý tưởng cụ thể. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng dữ liệu có sẵn tại thời điểm diễn ra các cuộc họp chính sách và cập nhật quan điểm của chúng tôi về nền kinh tế và triển vọng khi đưa ra quyết định.”

Mặc dù vậy, BoJ đã phát tín hiệu sẵn sàng nâng lãi suất lên mức trung tính - mức lãi suất không gây hiệu ứng kích thích hay kìm hãm tăng trưởng kinh tế, và được giới phân tích cho là khoảng 1% - vào khoảng cuối năm tới hoặc đầu năm 2026.

BoJ vẫn giữ quan điểm rằng cơ quan này đang đi đúng hướng để tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù đã điều chỉnh một số dự báo và hạ đánh giá rủi ro cho năm tài chính hiện tại. Tuy nhiên, chặng đường "đến đích" có thể sẽ không bằng phẳng.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản hy vọng các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng lương cho người lao động trong năm nay, từ đó sẽ khuyến khích tiêu dùng và cho phép các nhà bán lẻ duy trì việc tăng giá hàng bán ra.

Sau cuộc họp tháng 10/2024, các cuộc họp chính sách tiếp theo của BoJ sẽ diễn ra vào ngày 18-19/12 và 23-24/1/2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục