Ngân hàng trung ương Nga Bank Rossii đã vừa bất ngờ nâng lãi suất lần thứ hai trong chưa đầy hai tháng và cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) cũng mới hạ bậc xếp hạng của nước này lần đầu tiên trong 5 năm.
Đó là những bằng chứng về những tác động từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine với nền kinh tế Nga.
Cuối tuần qua, Bank Rossii đã nâng lãi suất chủ chốt lên 7,5%, sau lần nâng lãi suất từ mức 5,5% hồi đầu tháng Ba, nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời cũng để hạn chế sức ép lên đồng ruble và ngăn chặn tình trạng rút vốn ra khỏi nền kinh tế.
Bank Rossii nhận định nguy cơ lạm phát ở trên mức 5% vào cuối năm nay đang gia tăng đáng kể và việc nâng lãi suất sẽ giúp kìm hãm đà tăng của lạm phát, khống chế ở mức không quá 6%.
Bank Rossii không đề cập cụ thể đến Ukraine, nhưng nói rằng tình hình chính trị quốc tế bất ổn đang tác động đến hoạt động sản xuất và đầu tư tại Nga.
Chỉ vài giờ trước khi BoR có quyết định nâng lãi suất, S&P đã hạ mức đánh giá về khả năng thanh toán nợ của Nga một bậc, từ BBB xuống BBB-, chỉ trên một bậc so với mức không nên đầu tư và duy trì triển vọng tiêu cực, do quan ngại tình trạng rút vốn sẽ gia tăng.
S&P cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm của Nga xuống mức thấp hơn, nếu tăng trưởng kinh tế trung hạn của nước này yếu hơn nữa, mức độ linh hoạt trong chính sách tiền tệ kém đi, hoặc các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn của phương Tây làm suy giảm thêm khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã nói rằng các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang ảnh hưởng đến kinh tế Nga, dù không quá nghiêm trọng, khi khiến cho xếp hạng tín nhiệm của nước này bị xem xét lại, và vì thế lãi suất các khoản vay có thể sẽ cao hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Sergei Donskoy nói đến việc các công ty dầu khí nước ngoài đã phá vỡ hợp đồng và có thể sẽ chưa sớm quay trở lại sau khi rút khỏi Nga.
Điều đáng nói là nền kinh tế vốn dựa chủ yếu và ngành dầu khí của Nga cần có công nghệ và đầu tư của nước ngoài. Thế nhưng, vốn đầu tư đã bị rút mạnh ra khỏi nước này, do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Theo số liệu ước tính của Ngân hàng trung ương Nga, các nhà đầu tư đã rút 63,7 tỷ USD trong quý I/2014, bằng với mức của cả năm 2013. Chính phủ nước này ước tính sẽ có khoảng 70-100 tỷ USD vốn bị rút đi trong cả năm, còn con số mà Ngân hàng Thế giới đưa ra là khoảng 150 tỷ USD.
Cùng với việc rút vốn, lòng tin kinh doanh cũng suy giảm khi dự báo tăng trưởng kinh tế bị hạ xuống. Kinh tế Nga trong quý I/2014 đã giảm 0,5% so với quý trước đó.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và bốn nước đồng minh chủ chốt ở châu Âu cuối tuần qua đều cho rằng Nga đã không tuân thủ các điều khoản trong hiệp ước hòa bình cho Ukraine, do đó sẽ phối hợp chặt chẽ cùng nhau và có các biện pháp mới nhằm vào Nga.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), việc cấm các giao dịch với các thiết chế tài chính tại Crimea cũng có thể được thực thi nhằm phản ứng trước việc sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tháng trước, một hành động mà EU cho là bất hợp pháp.
Đề xuất này sẽ được xem xét tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào ngày 12/5./.