Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga (RCB), tính đến cuối tháng 6/2018, RCB đã giảm mạnh tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối của nước này xuống còn 24,4%, trong khi đồng euro và đồng nhân dân tệ tăng lần lượt lên 32% và 14,7%.
Cũng trong quý 2/2018, tài sản dự trữ bằng ngoại tệ và vàng của RCB cũng giảm từ 460 tỷ USD xuống còn 458,1 tỷ USD.
Đầu tư vào nhân dân tệ quy đổi ra USD đã tăng hơn 44 tỷ USD (gần gấp 3 lần), đầu tư vào euro tăng 45% (tương đương 44 tỷ USD), trong khi đầu tư vào USD giảm một nữa (100 tỷ USD).
Việc RCB hạ tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối được xem là biện pháp để Nga giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh của Mỹ, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống tài chính của Nga đang được Wasshington triển khai.
[Kinh tế Nga sẽ chứng kiến sự khởi đầu khó khăn trong năm 2019]
Việc tăng cường thanh toán trong trao đổi thương mại bằng đồng nội tệ giữa Nga và Trung Quốc cũng cho thấy, nền kinh tế Nga đang giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD.
Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov, cho biết RCB có kế hoạch giảm tỷ lệ dự trữ đồng USD để phòng trường hợp xấu nhất là Mỹ ngừng cấp USD vào kinh tế Nga.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính Nga, việc thanh toán bằng đồng ruble cũng có thể được coi là biện pháp bảo vệ. Chính phủ Nga dự kiến sẽ ủng hộ việc từ bỏ các thanh toán bằng đồng USD.
Bộ trưởng Tài chính Nga hiện đã trình chính phủ nước này kế hoạch giảm USD hóa nền kinh tế Nga, với trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán bằng các đồng tiền khác ngoài đồng USD./.