Ngân hàng Trung ương Anh duy trì lãi suất thấp kỷ lục

Thông báo sau cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh cho các thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC)- cơ quan hoạch định chính sách của BoE, đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất vay ở mức 0,1%.
Quang cảnh Ngân hàng Trung ương Anh tại London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định duy trì chương trình kích thích kinh tế và giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, song cảnh báo lạm phát có thể vượt mức 4% trong năm nay.

Thông báo sau cuộc họp của BoE cho các thành viên  Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC)- cơ quan hoạch định chính sách của BoE, đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất vay ở mức 0,1%.

Với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, các nhà hoạch định chính sách cũng thông qua việc duy trì chương trình kích thích nới lỏng định lượng ở mức gần 900 tỷ bảng Anh (1.200 tỷ USD).

Theo thông báo của BoE, hai thành viên MPC muốn dừng chương trình mua tài sản hiện tại sớm nhất là ngay sau cuộc họp này, thay vì duy trì cho đến khoảng cuối năm như kế hoạch hiện tại.

BoE thừa nhận việc tiếp tục mua tài sản khi lạm phát ở mức trên 3% và sản lượng kinh tế phục hồi có thể khiến kỳ vọng lạm phát tăng thêm trong trung hạn.

[Lạm phát của Anh tăng lên gần mức cao nhất của 3 năm]

BoE cũng cảnh báo rằng lạm phát tại Anh dự kiến sẽ vượt ngưỡng 4% - cao hơn gấp đôi mức mục tiêu đề ra - trong quý IV/2021 do giá năng lượng và hàng hóa leo thang.

Trước đó, mức lạm phát của nước Anh trong tháng 8 vừa qua đã tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ là 3,2%, sau khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại sau nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng trung ương của nước Anh cũng cảnh báo triển vọng kinh tế vẫn còn đối mặt với những bất ổn đáng kể, bao gồm cả kế hoạch hỗ trợ việc làm của chính phủ dự kiến hết hạn vào cuối tuần tới. Trong khi đó, giá dầu mỏ và chi phí vận tải đường biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Giá khí đốt cũng đang tăng tại tất cả các nước châu Âu. 

Quyết định của BoE được đưa ra trong bối cảnh giới chức các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đau đầu với việc xác định thời điểm rút lại các chính sách siêu nới lỏng tiền tệ cùng những biện pháp kích thích lớn, khi các nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 tàn phá bắt đầu phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục