Ngân hàng trung ương Ấn Độ quyết định giữ nguyên lãi suất

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ giữ nguyên lãi suất cho vay repo ở mức 8% và tỷ lệ dự trữ tiền mặt ở mức 4%, song giảm tỷ lệ thanh toán pháp định 50 điểm cơ bản (0,5%) xuống mức 22,5%.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ quyết định giữ nguyên lãi suất ảnh 1Ngân hàng trung ương Ấn Độ. (Nguồn: livemint)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong phiên họp đánh giá chính sách tiền tệ thường kỳ hai tháng một lần ngày 3/6, Thống đốc ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI - Ngân hàng Trung ương nước này) Raghuram Rajan đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay repo ở mức 8% và tỷ lệ dự trữ tiền mặt (CRR) ở mức 4%, song giảm tỷ lệ thanh toán pháp định (SLR) 50 điểm cơ bản (0,5%) xuống mức 22,5% nhằm tăng tính thanh khoản của ngân hàng.

Giới phân tích và các nhà kinh tế cho rằng, với quyết định giảm SLR, Thống đốc RBI đang chuẩn bị nền móng cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Ở một chừng mực nào đó, việc giảm SLR sẽ mở đường cho các ngân hàng tự do hơn để mở rộng cho vay đối với lĩnh vực không thuộc chính phủ.

Mặc dù mục đích chính sách tiền tệ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện RBI vẫn giữ nguyên dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ ở mức 5-6% trong năm tài chính 2014-2015, thậm chí chỉ ở mức khoảng 5,5%.

RBI còn dự đoán về một triển vọng yếu ớt hơn đối với lĩnh vực nông nghiệp do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.

Lạm phát tiếp tục là mối lo ngại đối với RBI. Thống đốc Rajan dự kiến lạm phát giá tiêu dùng ở mức 8% trong năm tài chính hiện nay và 6% trong năm tới.

Lạm phát giá tiêu dùng nói chung tại Ấn Độ có xu hướng giảm, trừ lương thực và nhiên liệu. Lạm phát giá lương thực tăng lên do các yếu tố theo mùa, có thể trở nên xấu hơn nếu chịu ảnh hưởng của El Nino.

Ngoài ra, RBI cho rằng căng thẳng địa chính ảnh hưởng đến giá xăng dầu trên thế giới cũng gây ảnh hưởng việc bình ổn giá.

Bên cạnh đó, trong bản đánh giá chính sách tiền tệ thường kỳ, Thống đốc Rajan hài lòng với lĩnh vực hối đoái của Ấn Độ, nhờ dòng vốn đầu tư chảy vào, được sự hỗ trợ của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các khoản vay thương mại từ bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục