Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID

Nhằm giảm bớt nỗi lo cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, các ngân hàng tiếp tục đưa ra chính sách giảm thêm lãi suất cho vay từ 0,5%-1,5%/năm.
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các ngân hàng quyết định tiếp tục giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng loạt ưu đãi hỗ trợ khách hàng

Cụ thể, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết từ nay đến 31/12, đơn vị này giảm tiếp lãi suất tiền vay tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang).

[NHNN: Cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng]

Đặc biệt, nếu đáp ứng điều kiện của ngân hàng, các khách hàng đã được giảm lãi suất theo chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo chính sách hỗ trợ lần này.

Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 8 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai với tổng giá trị hơn 5.400 tỷ đồng tính đến hết tháng Sáu.

Hiện tại, Vietcombank đang triển khai chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/7 đến 31/12 với mức giảm từ 0,5%-1%/năm tuỳ đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ VND.

Song song với đó, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam trong các tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền lãi ngân hàng này hỗ trợ khách hàng trên toàn quốc cả năm 2021 là 7.100 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, Vietcombank cũng đã thực hiện giảm phí, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đồng thời, Vietcombank đã cam kết và tài trợ gần 350 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cũng từ nay đến hết 31/12, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam.

Theo đó, ngân hàng này giảm 0,5%-1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort... Ngân sách BIDV dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng.

Đối với gói tín dụng mới có quy mô 30.000 tỷ đồng được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) thông báo tất cả khách hàng đang quan hệ tín dụng tại Kienlongbank bị ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp bởi dịch COVID-19 và thỏa các điều kiện của chương trình, sẽ được giảm tối đa 1,5%/năm lãi suất vay. Tùy theo mục đích và nhu cầu vay vốn, khách hàng của Kienlongbank còn được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi khác.

Sau thời gian được giảm lãi suất, lãi suất tiếp tục được áp dụng theo lãi suất quy định hiện hành của Kienlongbank.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trên cơ sở nhận diện khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng, các đã xây dựng giải pháp tài chính toàn diện để phục vụ và đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng này. Theo đó, tập trung cho 3 nhóm giải pháp chính bao gồm: Giải pháp về chính sách tín dụng và sản phẩm, giải pháp về lãi suất cho vay và giải pháp về chăm sóc khách hàng.

Cần khẳng định rằng, để quyết định cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì ngân hàng phải hiểu rõ khách hàng. Ngân hàng phải đóng vai trò tư vấn giải pháp về tài chính ưu việt, phù hợp với doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Vietcombank và BIDV đã nghiên cứu, đánh giá thị trường đồng thời thường xuyên tổ chức tọa đàm với các chi nhánh trong hệ thống, tọa đàm cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ để lắng nghe nguyện vọng từ khách hàng. Từ đó, linh hoạt xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn ban hành gói sản phẩm/dịch vụ đặc thù, theo mùa vụ, theo nhóm ngành/lĩnh vực hoạt động. Hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nói chung và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Cụ thể với nhóm doanh nghiệp vi mô và nhỏ, các đã rút giảm quy trình, mẫu biểu nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục và thông báo sớm cho khách hàng về kết quả thẩm định.

Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm truyền thống là tín dụng cho các doanh nghiệp, ngân hàng còn cung cấp các sản phẩm trọn gói về cho vay, tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bảo hiểm, trả lương, giải pháp quản lý tài chính, thu hộ, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử… Hoạt động này được các ngân hàng thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực cho doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục