Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần giám sát chặt chẽ khu vực tài chính

Chuyên gia WB lưu ý, việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại.
Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng hai con số so với cùng kỳ, phần lớn là do yếu tố nền thấp liên quan đến các đợt phong tỏa do COVID-19 trong quý 3/2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 13/4, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng Tư cho thấy nền kinh tế giảm tốc nhưng dịch vụ lại là lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng.

Dịch vụ và doanh thu bán lẻ tăng

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam tăng trưởng 3,3% trong quý 1, chậm lại so với mức 5,9% (so với cùng kỳ) trong quý 4/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý 1 thấp thứ hai trong thập kỷ qua. Tốc độ tăng trưởng thấp phần lớn là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp. Sự suy giảm này phản ánh mức giảm 11,8% ở lĩnh vực xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Tuy nhiên, trong quý 1, các ngành dịch vụ tăng trưởng 6,8% (so với cùng kỳ ) và đóng góp 2,9 điểm % vào GDP. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% và đóng góp 0,3 điểm % vào tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, bất chấp sự sụt giảm chung, sản xuất công nghiệp đã có những dấu hiệu cải thiện tạm thời trong tháng Ba. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) quý 1 thấp hơn 1,6% so với quý 1/2022. Tuy nhiên, IPI đã được cải thiện vào tháng 3/2023, tăng 9,4% (so với tháng trước), đối lập với mức giảm mạnh vào tháng Một (-22,7%). Hầu hết các ngành và phân ngành công nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng đặc biệt là ngành khai khoáng, dệt may, sản xuất kim loại và sản xuất phương tiện vận tải.

[Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng]

Tuy nhiên sản xuất các sản phẩm điện tử và nội thất là hai trường hợp ngoại lệ, giảm lần lượt 13% và 21,7% (so với cùng kỳ). Sự sụt giảm này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu điện thoại thông minh (-42% so với cùng kỳ), máy tính và các sản phẩm thiết bị điện tử khác (-11%) và đồ nội thất (-22,8%).

Sản xuất dệt may tại một doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia WB nhận định, triển vọng phục hồi của lĩnh vực sản xuất vẫn không chắc chắn khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) quay trở lại vùng thu hẹp (47,7) vào tháng Ba sau đợt phục hồi ngắn vào tháng Hai (51,2).

Cũng theo báo cáo, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,9% (so với tháng trước) và 13,4% (so cùng kỳ) vào tháng Ba. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng hai con số so với cùng kỳ, phần lớn là do yếu tố nền thấp liên quan đến các đợt phong tỏa do COVID-19 trong quý 3/2021.

Ngoài ra doanh thu bán lẻ hàng hóa tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng vững chắc, tăng 11,3% so với cùng kỳ trong tháng Ba. Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng của các ngành dịch vụ đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu của cơ sở lưu trú và ăn uống tăng 25,5% và doanh thu của dịch vụ lữ hành tăng 113,9%. Lượng khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt trong quý 1/2023, so với 91.000 lượt quý 1/2022.

Doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng mạnh. Đơn vị: %

Đối với lạm phát, chuyên gia WB cho biết, sau khi tăng liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023, lạm phát đã giảm trong tháng 2 và tháng 3 năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 4,9% trong tháng Một xuống 4,3% vào tháng Hai và tiếp tục giảm xuống còn 3,4% vào tháng Ba. Trong khi đó, lạm phát cơ bản giảm nhẹ từ 5,2% xuống 5% và 4,9% trong 3 tháng gần đây.

Lạm phát được thúc đẩy bởi mức tăng giá lương thực và thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng, với mức đóng góp vào CPI lần lượt là 1,3 điểm % và 1,2 điểm %. Giá dịch vụ giao thông giảm 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 3/2023, giúp giảm 0,5 điểm % tỷ lệ lạm phát CPI. Giao thông vận tải chỉ góp phần khá  nhỏ vào lạm phát CPI kể từ tháng 10 năm 2022 tới nay, nhờ thị trường dầu mỏ toàn cầu tương đối ổn định.

Xuất nhập khẩu giảm

Chuyên gia WB cũng cho biết, cam kết FDI giảm 40% so với cùng kỳ trong quý 1 và là quý thứ năm liên tiếp cam kết FDI giảm. Điều này phản ánh sự bất định gia tăng liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt các điều kiện tài chính để kiểm soát lạm phát ở các nền kinh tế phát triển.

Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, có đóng góp cao vào GDP. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải ngân vốn FDI bắt đầu chậm lại trong quý 1/2023 sau khi đạt kết quả khả quan trong năm 2022, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm. Giải ngân cho quý 1 giảm 38% so với quý 4/2022 và giảm 2,3% (so với cùng kỳ). Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản vẫn là những ngành chính thu hút cam kết FDI, chiếm khoảng 80% tổng cam kết trong Q1-2023, tương đương với cơ cấu (tỷ trọng) các ngành thu hút FDI trong ba năm qua.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, theo báo cáo cả 2 lĩnh vực này đều giảm lần lượt là 11,8% và 14,6% (so với cùng kỳ) trong quý 1. Đây là quý thứ hai liên tiếp hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam bị thu hẹp. Xuất khẩu giảm chủ yếu do hai nhóm hàng là máy vi tính, điện thoại, điện tử và máy móc giảm khoảng 14,3% và các sản phẩm dệt may, da giày giảm khoảng 18%.

Phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử và máy móc cũng giảm 23% so với cùng kỳ, cho thấy sự phụ thuộc lớn của xuất khẩu công nghệ cao vào các đầu vào nhập khẩu này.

Là đầu vào chính của ngành dệt may và da giày, nhập khẩu bông, sợi dệt, vải và giày dép cũng giảm 21%. Một số dấu hiệu cải thiện đã được ghi nhận vào tháng 3/2023 khi xuất khẩu tăng 13,5% (so với tháng trước) và nhập khẩu tăng 24,4% (so với tháng trước). Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (650 triệu USD) trong tháng Ba, mặc dù đã thu hẹp so với mức 2,8 tỷ USD được ghi nhận của tháng 2/2023.

CPI và lạm phát cơ bản tiếp tục giảm nhẹ trong tháng 3

Chuyên gia WB cho rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý 1 do xuất khẩu sản phẩm chế tạo giảm mạnh, cần được theo dõi chặt chẽ.

“Nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Dự kiến tăng giá điện và tiền lương khu vực công trong những tháng tới có thể gây áp lực lên lạm phát. Khả năng Mỹ tiếp tục thắt chặt tài chính để kiểm soát lạm phát có thể ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một số lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính,” chuyên gia WB lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục