Ngân hàng Thế giới thông qua khoản vay 3 tỷ USD cho Ai Cập

Khoản vay trên sẽ được giải ngân trong vòng ba năm, với kỳ hạn thanh toán 35 năm và lãi suất hằng năm 1,68%, nhằm giúp Ai Cập ứng phó với tình trạng khan hiếm ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hành lang kênh đào Suez là một trong những dự án trọng điểm của Ai Cập trong thời gian tới. (Ảnh: AP)

Bộ Hợp tác Quốc tế Ai Cập vừa cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản tín dụng ưu đãi 3 tỷ USD nhằm giúp đất nước Kim Tự Tháp ứng phó với tình trạng khan hiếm ngoại tệ hiện nay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khoản vay trên sẽ được giải ngân trong vòng ba năm, với kỳ hạn thanh toán 35 năm và lãi suất hằng năm 1,68%. Ai Cập dự kiến sẽ tiếp nhận 1 tỷ USD đầu tiên vào cuối năm nay.

Theo thông báo của Bộ Hợp tác Quốc tế Ai Cập, cùng với khoản tín dụng nói trên, tổng số vốn vay ưu đãi mà WB cấp cho nước này được nâng lên 8 tỷ USD giai đoạn 2015-2019.

Ai Cập hiện lâm vào cuộc khủng hoảng ngoại tệ khi dự trữ ngoại tệ, được sử dụng để nhập khẩu các loại lương thực thiết yếu và nguồn nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, đã giảm liên tiếp thời gian qua, xuống còn 16,44 tỷ USD vào cuối tháng 11/2015.

Hiện nay, một số ngành kinh tế mũi nhọn của Ai Cập như du lịch và kênh đào Suez đang trên đà suy giảm mạnh. Năm 2015, nước này mất gần 9 triệu lượt khách quốc tế so với kế hoạch do những lo ngại về an ninh, nhất là sau vụ một máy bay hành khách của Nga rơi tại Bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31/10 vừa qua.

Do lượng khách quốc tế sụt giảm, Ai Cập đã thất thu khoảng 2 tỷ bảng Ai Cập (250 triệu USD) mỗi tháng, trong bối cảnh những hiệu ứng tiêu cực của chủ nghĩa khủng bố đang gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành du lịch của đất nước Kim Tự Tháp.

Ngành công nghiệp không khói đóng góp khoảng 13% GDP và là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Ai Cập. Doanh thu từ du lịch của Ai Cập trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2015 tăng 43,3% so với tài khóa trước đó, lên 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 12,5 tỷ USD đạt được vào năm 2010, thời điểm trước khi diễn ra cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động của kênh đào Suez tiếp tục giảm trong tháng 11/2015, xuống còn 408,4 triệu USD. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp kể từ khi dự án kênh Suez mở rộng được khánh thành hồi tháng Tám vừa qua.

Sau khi được mở rộng với kinh phí nhiều tỷ USD, doanh thu của tuyến đường biển nhanh nhất thế giới nối châu Âu với châu Á này được kỳ vọng sẽ tăng từ 5,3 tỷ USD năm 2014 lên 13,2 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động của kênh Suez đang ngày càng sa sút giữa lúc thương mại toàn cầu ảm đạm.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 6/2014, Chính phủ Ai Cập đã tiến hành một chương trình cải cách tài khóa mang tính nhạy cảm về chính trị, bao gồm cắt giảm trợ giá nhiên liệu và giá điện, tăng 78% giá bán lẻ nhiên liệu và áp các mức thuế mới, trong đó có thuế bất động sản.

Thuế giá trị gia tăng (VAT) vốn bị ngừng lâu nay cũng sẽ được khôi phục vào cuối năm 2015. Tháng 10/2015, Chính phủ Ai Cập cũng đã thông qua quy định về tự do hóa thị trường khí đốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục