Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga

Trong báo cáo mới nhất, WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 3,2% vào năm 2021 và duy trì tốc độ này sang năm 2022.
Người dân di chuyển trên Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/5 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2021 nhờ những dấu hiệu cải thiện trên thị trường lao động.

Nhưng WB cũng lưu ý kế hoạch củng cố tài khóa có thể cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế này.

Trong báo cáo mới nhất, WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 3,2% vào năm 2021 và duy trì tốc độ này sang năm 2022.

[Nga đánh giá thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây]

Dự báo này khả quan hơn so với mức tăng 2,9% và 3,2% tương ứng cho hai năm trên được đưa ra hồi tháng Ba.

Song WB cũng lưu ý dự báo được dựa trên kịch bản về số ca nhiễm COVID-19 giảm dần.

Tổ chức này cho biết Chính phủ Nga có nhiều không gian để củng cố tài khóa từng bước hơn so với kế hoạch trước đó, đồng thời cảnh báo về tổn thất Tổng sản phẩm quốc nội khá lớn nếu chi tiêu chính phủ giảm.

Bên cạnh đó, WB cho hay các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với khoản nợ chính phủ của Nga không đe dọa sự ổn định tài chính của nước này. Đó là nhờ các bộ đệm tài khóa vĩ mô mạnh mẽ và tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ Chính phủ Nga ở mức tương đối vừa phải.

Ngoài ra, WB đánh giá khu vực ngân hàng Nga đã hoạt động khá ổn định cho đến nay. Thị trường lao động cũng có một số dấu hiệu cải thiện từ cuối năm 2020, song vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.

WB cho biết Nga đã cố gắng kiềm chế sự gia tăng đột biến trong tỷ lệ nghèo đói vào năm 2020, nhưng thu nhập khả dụng vẫn giảm và mức sống của người dân ngày càng đi xuống.

Số liệu của WB cho thấy tỷ lệ nghèo đói ở Nga vào cuối năm 2020 là 12,1%, giảm từ mức 12,3% trong năm trước đó. WB dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống 11,4% vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng vào năm 2030, tỷ lệ nghèo đói ở Nga sẽ giảm xuống 6,5%. Hiện một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Putin trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội là giải quyết vấn đề mức sống đang bị sụt giảm.

Thu nhập sau thuế tại Nga đã giảm liên tục kể từ năm 2013, trừ một số năm có mức tăng không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng ruble giảm giá và lạm phát gia tăng vì tác động từ các biện pháp trừng phạt của nước ngoài nhằm vào Nga.

Sau khi giảm 3% vào năm 2020 do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc, nền kinh tế Nga đang trên đà phục hồi trong năm nay giữa bối cảnh các nước trên toàn cầu triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và nhu cầu đi lên.

Mặc dù ghi nhận mức suy giảm kinh tế sâu nhất trong 11 năm vào năm ngoái, nền kinh tế Nga vẫn hoạt động tốt hơn so với trung bình thế giới - vốn suy giảm 3,8%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục