Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Trung Quốc cần cải cách kinh tế

Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo Trung Quốc nên tập trung vào việc thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường thay vì tìm cách theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng.
Quầy hàng rau tại một siêu thị ở Cangzhou, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 29/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo Trung Quốc nên tập trung vào việc thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường thay vì tìm cách theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng.

Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sụt giảm và chỉ đạt mức xấp xỉ 7% vào năm tới. Thực trạng này có thể khiến Bắc Kinh trở lại theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn thông qua việc bơm tiền để kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhà kinh tế của WB Karlis Smits cho rằng điều này sẽ làm gián đoạn sự phát triển của thị trường. Theo ông, chính sách kinh tế của Trung Quốc nên tập trung vào cải cách thay vì tìm cách đạt được mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh cần tăng cường sự cạnh tranh và hiệu quả thông qua cải cách thị trường lao động, bất động sản, và hệ thống tài chính do nhà nước chi phối.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3/2014 đã giảm xuống xuống còn 7,3%, mức thấp kỷ lục trong vòng năm năm qua của nước này.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách giảm bớt sự kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách đưa ra mức dự đoán tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay của Trung Quốc dưới 7,5%. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn thực thi các biện pháp kích thích nền kinh tế ở quy mô nhỏ thông qua việc tăng chi tiêu cho hoạt động xây dựng đường sắt và nhiều công trình công cộng khác.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm dành cho thị trường có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Trong nỗ lực này, năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố các kế hoạch mở cửa thêm một số ngành kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, mở rộng phạm vi cho vay của ngân hàng nhà nước đến các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm và làm giàu cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá vẫn chưa có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Họ cho rằng nhiều khả năng nguyên nhân là do một bộ phận các nhà lãnh đạo không muốn xóa bỏ tình trạng độc quyền, quyền tiếp cận các nguồn tín dụng hỗ trợ và các ưu tiên khác dành cho doanh nghiệp nhà nước. Chuyên gia kinh tế Smits cảnh báo nếu không có thay đổi, hoạt động cho vay sẽ không hiệu quả và điều này sẽ kìm hãm nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục