Ngân hàng Siam: Các nước CLMV sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023

Ngân hàngSiam dự báo Campuchia sẽ tăng trưởng 5,5%, Lào và Myanmar tăng 3,0%, Việt Nam tăng 6,2% trong năm 2023, trong đó nhu cầu nội địa và du lịch sẽ là động lực chính cho phục hồi kinh tế.
Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Trung tâm tình báo kinh tế thuộc Ngân hàng thương mại Siam (SCB EIC) của Thái Lan có báo cáo ngày 1/2 nhận định các nước CLMV gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ đạt được đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2023 nhưng vẫn ở dưới mức tiềm năng tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.

Báo cáo của SCB EIC cho rằng sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các quốc gia, tùy thuộc vào các nguyên tắc kinh tế cơ bản và rủi ro cụ thể của từng nước.

SCB EIC dự báo nền kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay, Lào và Myanmar tăng 3,0%, Việt Nam tăng 6,2%.

Báo cáo nhận định nhu cầu nội địa và du lịch sẽ là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế của các nước CLMV trong năm 2023.

Theo SCB EIC, nhu cầu nội địa các nước sẽ được hỗ trợ từ những cải thiện trên thị trường lao động, thể hiện qua việc làm trong quý 4/2022 của Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ lượng khách du lịch tăng trong năm nay, đặc biệt là du khách Trung Quốc - từng chiếm khoảng 30-35% tổng số khách du lịch nước ngoài năm 2019.

Trung Quốc đã cho phép các tour du lịch nước ngoài theo nhóm đến Campuchia và Lào bắt đầu từ ngày 6/2 tới và dự kiến sẽ sớm bổ sung thêm nhiều điểm đến vào danh sách.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực ASEAN]

Trong khi đó, Campuchia và Việt Nam sẵn sàng hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của ngành du lịch, xét tỷ lệ đóng góp cao của ngành du lịch vào Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của hai quốc gia này.

Ở chiều ngược lại, báo cáo của SCB EIC cho rằng nhu cầu nước ngoài giảm cùng với nền kinh tế toàn cầu suy yếu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước CLMV.

SCB EIC cũng nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể phần nào giảm bớt tác động bất lợi đối với xuất khẩu và FDI.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro là nhu cầu bên ngoài yếu có thể làm giảm nhu cầu nội địa, sản xuất chế tạo và việc làm của các nước CLMV.

Trong bối cảnh như vậy, SCB EIC dự báo ngân hàng trung ương các nước CLMV có thể sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong năm nay, nhưng quá trình bình thường hóa chính sách sẽ diễn ra dần dần sau khi lạm phát có xu hướng hạ nhiệt.

Lạm phát ở các nước CLMV sẽ bắt đầu giảm xuống cùng với giá hàng hóa toàn cầu giảm trong năm 2023 mặc dù tốc độ giảm chậm.

Các loại tiền tệ yếu - chẳng hạn như đồng kip của Lào và đồng kyat của Myanmar - cũng sẽ khiến giá nhập khẩu tiếp tục ở mức cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục