Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành quyết định chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank-mã SSB) trên giấy phép hoạt động từ 14.785 tỷ đồng lên 16.598 tỷ đồng sau đợt chào bán thành công 181,3 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, trong năm 2021, SeABank đã 2 lần tăng vốn điều lệ với tổng cộng tiền 2.698 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) và chào bán ra công chúng.
Năm 2022 là năm phát triển mạnh mẽ trong chiến lược phát triển 2020-2025 của SeABank. Việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng có đủ tiềm lực để thực hiện các mục tiêu triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, số hóa toàn diện các quy trình vận hành trong hoạt động tín dụng, thanh toán, dịch vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ… qua đó mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mọi khách hàng.
[IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế rót thêm 70 triệu USD cho SeABank]
Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022 của SeABank cũng vừa được thông qua trong Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 21/4. Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, dự kiến mỗi cổ đông của SeABank sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 20%.
Ngân hàng cũng dự kiến phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP. Ngoài ra, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu 228,7 triệu cổ phiếu./.