Năm 2015 là năm cuối của chặng đường thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhìn một cách khái quát có thể thấy, các thương vụ sáp nhập ở giai đoạn đầu của công cuộc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng những năm trước chủ yếu diễn ra giữa các ngân hàng thương mại yếu kém, thuộc nhóm phải tái cơ cấu.
Gần đây, thị trường ghi nhận một số thương vụ sáp nhập mang tính chất tự nguyện khi cả ngân hàng thương mại có tài chính, sức khỏe tốt cũng nhập cuộc.
Trong báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng khác với những năm trước, khi quá trình hợp nhất chủ yếu liên quan tới sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn và hoạt động yếu kém hơn, năm nay chứng kiến nhiều thương vụ mua lại các ngân hàng nhỏ hơn của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn.
Ngay từ đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố mạnh mẽ, có rất nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập, một số ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước mua lại.
Trong các ngân hàng sáp nhập, có cả những ngân hàng đang khỏe mạnh sáp nhập vào với nhau để tạo một ngân hàng có quy mô lớn hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn.
Thông điệp trên của “tư lệnh” ngành ngân hàng đã được thể hiện bằng hành động quyết liệt khi nhiều thương vụ sáp nhập ngân hàng đã được nhắc đến nhiều trong giai đoạn trước nhưng đến nửa đầu năm nay bắt đầu vào cuộc.
Có thể kể đến các thương vụ như Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) được chấp thuận nhận sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Mekong (MekongBank), sau khi đã hoàn tất mua lại 100% Công ty Tài chính Dệt may.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã hoàn tất mua đứt Công ty tài chính Hóa chất. Tiếp đó là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được chấp thuận nhận sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank).
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) chỉ trong vòng 2 tháng nhận sáp nhập xong Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)...
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). Đây là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng. Điều này, thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ của nhà điều hành trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam .
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, về nguyên tắc, việc mua, bán, chuyển nhượng tài sản phải có giá cả và giá cả phải phù hợp với giá trị.
Căn cứ kết quả Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán và Báo cáo đánh giá chất lượng tài sản và các khoản dự phòng rủi ro của các ngân hàng do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện, cổ phần của các ngân hàng này đã mất hết giá trị bởi hoạt động yếu kém, do đó, Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng/cổ phần.
“Việc Ngân hàng Nhà nước mua và tiếp quản lý ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu cho tốt lên là biện pháp có tính khả thi, hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất có thể xảy ra trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và phục hồi được hoạt động của ngân hàng, từ đó bảo vệ an toàn tiền gửi, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đảm bảo quyền lợi của khách hàng tại ngân hàng,” Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích.
Giới chuyên gia nhận định, việc chưa có tiền lệ này là một sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng “mua lại 0 đồng” chính là một trong những sáng kiến “kịp thời nhất” của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 3 năm qua.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, nếu không có động thái quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, công cuộc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ còn rất gian nan, tốn thời gian và không hiệu quả. Các ngân hàng yếu kém sẽ vẫn nghĩ rằng tài sản của mình là "rất giá trị và ra sức mặc cả, cò cưa" dù rằng trên thực tế hoạt động của họ đã hết sức bê bết, âm sâu vốn chủ sở hữu.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng yếu kém là sáng kiến chưa có tiền lệ. Điều này đã tránh được đổ vỡ “domino,” tức là một ngân hàng ảnh hưởng đến tất cả các ngân hàng khác khi phải đối mặt hiện tượng dân xếp hàng rút tiền. Đồng thời, tiền của dân không mất, quyền lợi của dân được bảo vệ.
Thực tế đã cho thấy, số lượng ngân hàng đã giảm và niềm tin của người dân vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao. Dù Ngân hàng Nhà nước mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng nhưng thời gian qua không xảy ra tình trạng người dân ồ ạt đi rút tiền ngân hàng. Điều đó là minh chứng cho thấy người dân vẫn ổn định được tâm lý trước sự điều hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước khi mua lại các ngân hàng yếu kém là đáng hoan nghênh, nhưng đây chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.
Dù đạt được nhiều thành công, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống các tổ chức đã gọn hơn về số lượng nhưng vẫn cần tiếp tục “đại tu” phần lõi bên trong và điều này cần thời gian.
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, hiện nay chúng ta mới làm chủ yếu là số lượng còn chất lượng thì phải cần một khoảng thời gian dài nữa.
Cái đầu tiên liên quan đến chất lượng đó là bản thân mỗi ngân hàng kể cả sáp nhập hay không tham gia vào quá trình sáp nhập cũng cần phải làm đề án cơ cấu lại để làm sao đảm bảo lành mạnh hóa tài chính cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động./.
Bài 1: Ngành ngân hàng và những cuộc mua lại "nhà băng" giá 0 đồng
Bài 3: Xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong ngành ngân hàng được cải thiện
Bài 4: Ngân hàng sang trang mới: Cuộc “lột xác” toàn diện