Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), năm 2017 mục tiêu của ngân hàng này sẽ thu hồi 1.500 tỷ đồng nợ quá hạn nhằm duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Tính đến cuối năm 2016, số nợ xấu SCB đã bán cho VAMC lên đến 14.553 tỷ đồng. Giai đoạn 2012 - 2016, SCB đã phải trích lập dự phòng 3.369 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC. Nhờ đó mà tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2012 - 2016 giảm từ 7,25% xuống còn 0,68%.
Mặc dù vậy, lãnh đạo SCB cũng thừa nhận, tỷ lệ quá hạn, nợ xấu thấp nhưng chủ yếu là bán nợ cho VAMC, nhận tài sản cấn trừ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Công tác xử lý nợ quá hạn vẫn còn chậm, hiện nợ quá hạn 1.746 tỷ đồng, giảm 1.081 tỷ đồng với tỷ lệ giảm 38,24% so với 31/12/2015 và chiếm 0,79% tổng dư nợ.
Lãnh đạo SCB cho rằng, các khoản nợ quá hạn, nợ xấu đã được SCB khởi kiện nên thời gian thu hồi nợ bị kéo dài, chủ yếu phụ thuộc vào các cơ quan chức năng. Ngoài ra tài sản đảm bảo cho một số khoản vay có giá trị lớn khó chuyển nhượng để thu hồi.
Cũng tại Đại hội, SCB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 16.000 tỷ đồng. Đến nay, SCB đã hoàn tất việc bổ sung các thủ tục theo yêu cầu và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Dự kiến việc tăng vốn điều lệ sẽ được SCB hoàn tất trong năm 2017.
Cũng trong năm 2017, SCB đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản ở mức 18% lên hơn 427.000 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng 251.2000 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận trước thuế đạt mức 171 tỷ đồng, tăng gần 26%.
Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của SCB đạt 361.682 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2015. Dư nợ cho vay chiếm 222.183 tỷ đồng, tăng gần 52.000 tỷ đồng so với năm trước. SCB mở rộng thị phần cho vay ở cả phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay sản xuất kinh doanh và tài trợ xuất nhập khẩu.
Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng, trong đó ngân hàng mẹ đạt khoảng 67 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản SCB đạt 2,4 tỷ đồng. Toàn bộ lợi nhuận trong năm sau khi trích lập các quỹ sẽ được bổ sung tăng vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng./.
Cuối năm 2011, do mất khả năng thanh toán tạm thời 3 nhà băng gồm Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) đã được hợp nhất thành SCB hiện nay.Ngân hàng sau hợp nhất có vốn điều lệ là 10.583,8 tỷ đồng, tương ứng tổng cổ phiếu lưu hành hơn 1.058 triệu cổ phiếu, tổng tài sản là 153.626 tỷ đồng. Việc hợp nhất được thực hiện theo hình thức chuyển toàn bộ cổ phần cả Ficombank, TinNghiaBank và SCB thành cổ phiếu của ngân hàng mới với tỷ lệ hoán đổi là 1:1.