Ngân hàng nỗ lực duy trì lãi suất cho vay, dù huy động tăng nhẹ trở lại

Các chuyên gia cảnh báo rằng, áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn hiện hữu, nhất là khi hệ thống ngân hàng phải đối mặt với bài toán thanh khoản do tín dụng tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Lãi suất huy động tăng trở lại. (Ảnh: Vietnam+)

Sau giai đoạn chững lại cuối tháng 9-10/2024, lãi suất huy động tăng trở lại tháng 11/2024 với sự nhập cuộc của một số ngân hàng tầm trung cùng nhiều ngân hàng thương mại nhỏ, chủ yếu ở những kỳ hạn ngắn 1-12 tháng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc đua tăng nóng lãi suất tiết kiệm khó diễn ra và tác động không quá lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay cuối năm.

Vì sao lãi suất sẽ tăng vào cuối năm?

Theo thống kê trong tháng 11 đến nay, có 17 ngân hàng thương mại tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động từ 0,2%-0,3%/năm, thậm chí ABBANK đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất với mức tăng các kỳ hạn dưới 12 tháng nhưng ngân hàng này cũng đã hai lần giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định về cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc này không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn.

Các chuyên gia cũng đánh giá nhu cầu vốn cuối năm từ doanh nghiệp và các dự án đầu tư lớn dự kiến sẽ tăng, buộc các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, từ nay đến cuối năm nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.

“Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần rất nhiều tiền để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu hàng hoá trong nước và nước ngoài. Đây là hoạt động rất sôi động và là những điểm sáng của nền kinh tế,” ông Hiếu cho hay.

Ông Hiếu cho rằng việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm rủi ro thanh khoản, đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính. Ngoài nhu cầu tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động tăng cũng là cách để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Nhận định về làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS cho biết: “Không riêng tháng 11, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay khi tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.”

Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. (Ảnh: Vietnam+)

Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023, cao hơn mức tăng 10,1% của 10 tháng và mức thay đổi theo tháng cũng tốt hơn cùng kỳ.

Nỗ lực duy trì giữ lãi suất cho vay ổn định

Một số doanh nghiệp lo ngại, với động thái tăng lãi suất huy động sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng, tác động đến biên lãi ròng nên có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp. Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là điều rất khó khăn đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, các ngành rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán khó được hưởng lãi suất thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Vinh (Hà Nội) cho biết hiện công ty của ông đang vay với lãi suất 5,5%, đây cũng là mức lãi suất ưu đãi đã được ngân hàng cho vay từ giữa năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại chưa có nhu cầu vay thêm nên nếu lãi suất cho vay tăng thì công ty sẽ chuyển sang các hướng khác.

Nhận định về vấn đề này chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Lãi suất cho vay của ngân hàng từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên như hiện tại, khó có thể giảm thêm do áp lực về lãi suất tại Việt Nam không quá lớn như trước.”

Theo ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp. Hiện, ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay và khoảng 14%-15% trong năm 2025. Chưa kể, với xu hướng giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nguồn vốn ở các ngân hàng đang được hỗ trợ thêm từ dòng vốn ngoại, qua đó giúp các ngân hàng duy trì chi phí vốn ổn định hơn trong thời gian tới.

Về lãi suất cho vay, ông Trần Hoài Nam khẳng định, với mức độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và chỉ số lạm phát như hiện nay, thì lãi suất cho vay đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng là các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh tốt, thì chắc chắn sẽ có lợi nhuận.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp. (Ảnh: Vietnam+)

Nhìn vào diễn biến hiện tại, có thể thấy rằng lãi suất cho vay khó giảm sâu trong ngắn hạn, nhưng khả năng duy trì ổn định vẫn là mục tiêu ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao, việc kiểm soát tốt lãi suất cho vay là yếu tố quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn hiện hữu, nhất là khi hệ thống ngân hàng phải đối mặt với bài toán thanh khoản do tín dụng tăng tốc trong những tháng cuối năm. Để giảm thiểu tác động tiêu cực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong việc cân đối nguồn lực, tối ưu hóa chi phí và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ, việc điều hành lãi suất cho vay hiện gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của USD thời gian qua, cùng với những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định,sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế./.

17 ngân hàng tăng lãi suất từ tháng 11 đến nay là Kienlongbank, CBBank, SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, VPBank và VietBank. Trong đó, MB, Agribank, GPBank và VIB là các ngân hàng đã có 2 lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng 11.

Hiện mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng như Ocean Bank, BaoViet Bank, BVBank, HDBank, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank, GPBank…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục