Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 30/4 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng áp dụng từ tháng 4/2013, trong nỗ lực đẩy lùi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ ở nước này.
Quyết định trên được đưa ra trong phiên họp Ban điều hành chính sách của BOJ gồm 9 thành viên.
BOJ sẽ duy trì tăng gấp đôi lượng tiền cơ sở, lên mức 60.000 - 70.000 tỷ yen/năm (tương đương 586-684 tỷ USD) thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác.
Sau khi quyết định trên được công bố, một số nhà phân tích cho rằng BOJ vẫn có thể sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, đồng yen đã mạnh lên trong phiên giao dịch ngày 30/4 tại châu Á. Tính đến chiều 30/4 ở Tokyo, đồng USD giảm xuống 102,37 yen, so với 102,64 yên trong phiên giao dịch ngày 29/4 tại New York.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố cùng ngày, BOJ đã điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản trong tài khóa 2014, từ mức 1,4% đưa ra hồi tháng 1 vừa qua xuống còn 1,1%, với nhận định "xuất khẩu phục hồi chậm."
Tăng trưởng kinh tế trong các tài khóa 2015 và 2016 được dự báo lần lượt là 1,5% và 1,3%.
Về giá tiêu dùng trong tài khóa 2014, BOJ vẫn giữ nguyên mức dự báo đưa ra trước đây là tăng 1,3%; sau đó có thể tăng 1,9% trong tài khóa 2015 và 2,1% trong tài khóa 2016, nếu chưa xem xét ảnh hưởng của chính sách thuế tiêu dùng.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên, theo Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, các nhà hoạch định chính sách BOJ hiện vẫn chưa thống nhất về thời điểm đạt được mục tiêu này. Một số nhà kinh tế cho rằng mục tiêu này khó có thể thực hiện được trước mùa Xuân năm 2015./.