Ngày 22/5, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ với nhận định kinh tế đang phục hồi ở mức vừa phải, đồng thời nâng triển vọng về tiêu dùng cá nhân và đầu tư nhà ở.
Ban chính sách của BOJ đã nhất trí duy trì chính sách tăng lượng cung tiền cơ bản khoảng 80.000 tỷ yen/năm (tương đương 662 tỷ USD) thông qua chương trình mua tài sản.
Quyết định này được đưa ra sau khi BOJ lùi thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2% đến khoảng nửa đầu tài khóa 2016 tại cuộc họp ngày 30/4 vừa qua, trong bối cảnh giá dầu thô giảm và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Về tiêu dùng cá nhân, BOJ nhận định đã có sự phục hồi nhanh nhờ tình hình việc làm và thu nhập cải thiện vững chắc.
Ngân hàng này cũng nâng triển vọng về đầu tư nhà ở, cho rằng lĩnh vực "có một số dấu hiệu đi lên", sau khi thuế tiêu dùng tăng từ 5% lên 8% năm ngoái khiến chi tiêu hộ gia đình sụt giảm. Tuy nhiên, BOJ hạ triển vọng về đầu tư công, với đánh giá hoạt động này "đã bước vào xu hướng giảm nhẹ".
Về giá cả, BOJ dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thời điểm này có thể ở mức 0% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của giá năng lượng thấp, nhưng xét về dài hạn hơn lạm phát nhìn chung đang tăng.
Số liệu công bố ngày 20/5 cho thấy tiêu dùng trong quý I/2015 đã tăng 0,4% so với quý trước, sau khi tăng 0,4% trong quý IV/2014.
Nhờ đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý đầu năm 2015 đạt mức tăng trưởng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp GDP tăng trưởng.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda lạc quan về khả năng đạt mục tiêu lạm phát và nhận định chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của BOJ đã mang lại hiệu quả mong muốn.
Tuần trước ông Kuroda cho biết tỷ lệ lạm phát được dự báo tăng tới mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái, khi tác động do giá dầu thô giảm có dấu hiệu nhạt dần trong nửa cuối tài khóa 2015./.